An Giang: Mở rộng, đầu tư các phòng xét nghiệm HIV khẳng định tại tuyến huyện

02/04/2019 08:30

Là một trong những địa phương được dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS, An Gian đã triển khai hiệu quả các hoạt động can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV tự nguyện, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

 Tư vấn điều trị cho bệnh nhân qua thẻ BHYT. Ảnh: Thùy Chi

Năm 2018, dự án hỗ trợ trên 3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm HIV. Năm qua, toàn tỉnh phát hiện mới 492 ca nhiễm HIV, 117 ca chuyển sang AIDS, có 85 ca tử vong; lũy tích số ca nhiễm từ năm 1993 đến nay có 10.979 ca HIV, 8.582 ca chuyển sang AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV trên 100.000 dân ở An Giang là 259, trong đó nơi có tỷ lệ nhiễm cao nhất là: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Châu Phú…

Đến nay, tại địa phương có 97% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; có 9/11 huyện, thị xã, thành phố có phòng khám điều trị HIV/AIDS và 11/11 địa phương có phòng tư vấn xét nghiệm HIV. Về tiến độ thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS: Toàn tỉnh có 91% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm, 75% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 97% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp.

Trước mắt, dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ tỉnh An Giang đến năm 2020. Trong đó, tổng vốn hỗ trợ năm 2019 là hơn 8 tỷ đồng để tiếp tục duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng, tập trung vào các nhóm đối tượng trong cộng đồng, góp phần giảm 25% số ca nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và 20% số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục (so với năm 2015).

Chương trình bơm kim tiêm là chiến lược quan trọng trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy. Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thông qua mạng lưới đồng đẳng viên để phát miễn phí bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy. Các đồng đẳng viên sẽ tiếp cận người nghiện chích ma túy để cung cấp kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, hướng dẫn tiêm chích an toàn, cung cấp bao cao su cho họ và người nhiễm HIV; chuyển gửi người nghiện chích ma túy hoặc vợ/bạn tình thường xuyên của họ tới xét nghiệm HIV, điều trị Methadone… Ban Quản lý dự án sẽ hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho 14 đồng đẳng viên nghiện chích ma túy để thực hiện nhiệm vụ trên.

Năm 2019, địa phương triển khai “lập bản đồ điểm nóng nhóm nguy cơ cao” tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Châu Phú ở nhóm đối tượng đồng giới nam, nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm… nhằm thu thập thông tin chính xác về vị trí và số đối tượng nguy cơ.

Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế cho người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, đồng giới nam và các đối tượng khác (vợ/chồng/bạn tình của các đối tượng trên) với khoảng 5.200 lượt người. Tổ chức xét nghiệm HIV lưu động cho các nhóm nguy cơ cao tại các “điểm nóng” trên địa bàn.

Đồng thời, cung cấp trang thiết bị cho phòng xét nghiệm khẳng định HIV ở 2 huyện Châu Phú, An Phú. Để kết nối giữa xét nghiệm HIV và điều trị ARV nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng, đầu tư trang thiết bị các phòng xét nghiệm HIV khẳng định tại tuyến huyện.
Top