Bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS: Đáp ứng thực tiễn phòng, chống HIV/AIDS

16/06/2020 16:27

Những khoảng trống trong thực tiễn là vấn đề nổi lên sau 13 năm Luật Phòng, chống HIV/AIDS đi vào cuộc sống. Đây cũng là vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Không được xét nghiệm vì thiếu chữ ký phụ huynh

Sau 13 năm thực thi chính sách pháp luật của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV phát hiện mới, số tử vong do AIDS giảm liên tục. Tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV do lây truyền qua đường tình dục vẫn còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng nhanh.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống ma túy; một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nội dung của các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nhưng chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai…

Do đó ngành Y tế cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, bên cạnh việc phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần phải phù hợp với các điều kiện của Việt Nam để bảo đảm tính hiệu quả và thực thi của pháp luật.

Tại Khoản 3 Điều 27 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định, việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 16 tuổi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam đang có xu hướng gia tăng nhanh, tuổi trung bình nhiễm mới HIV là 23 tuổi, trong đó có không ít các em dưới 16 tuổi.

Trong thực tiễn khi làm xét nghiệm HIV cho trẻ em dưới 16 tuổi có nguy cơ lây nhiễm HIV yêu cầu có sự đồng ý của bố mẹ là rất khó thực hiện. Bởi, không dễ để bố mẹ chấp nhận, nguyên nhân làm lây nhiễm HIV là do quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, các em lo sợ bố mẹ biết có quan hệ tình dục đồng giới, sợ bị đánh, nên dám tiết lộ với bố mẹ để đưa đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV. Hậu quả là các em sẽ không được làm xét nghiệm HIV sớm, như vậy vô hình trung quy định này không thể triển khai.

Tương tự như vậy, Điều 35, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay các nhà tài trợ đang cắt giảm hỗ trợ sinh phẩm và chương trình mục tiêu không đủ kinh phí để làm xét nghiệm miễn phí cho gần 2 triệu phụ nữ mang thai/năm.

Ngoài ra, khi quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV miễn phí, tức là Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, do đó quỹ bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho những phụ nữ mang thai tham gia bảo hiểm y tế khi làm xét nghiệm HIV.

Đồng thời, Khoản 14 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã bỏ Điểm b Khoản 1 Điều 21 nên quỹ bảo hiểm y tế không chi trả xét nghiệm sàng lọc phát hiện HIV cho phụ nữ mang thai. Trong khi đó, đa số người dân hiểu khi mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV sẽ không phải trả tiền xét nghiệm, nên các cơ sở y tế cũng không thể thu phí làm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

Điều chỉnh theo những tiến bộ trong khám, điều trị HIV

Kết quả 13 năm thực hiện luật này còn cho thấy, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nội dung của các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nhưng chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai. Hiện nay, ngoài các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV đã có nhiều thay đổi như sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị dự phòng trước khi nhiễm HIV, điều trị ARV ngay cho người nhiễm HIV khi làm giảm lượng virus trong máu đến ngưỡng không lây truyền HIV cho người khác khi quan hệ tình dục.

Các kỹ thuật xét nghiệm HIV cũng được phát triển đơn giản hơn nhiều so với trước đây, như làm xét nghiệm nhanh bằng lấy máu đầu ngón tay cho kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV trong vòng 20 phút, hoặc sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng, mọi người dân có thể tự làm xét nghiệm HIV cho mình.

Trong khi đó, rất nhiều quy định của luật chưa theo kịp được những tiến bộ trên. Đơn cử, Điều 42 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, tuy nhiên trong thực tiễn nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 4 là giai đoạn chuyển sang bệnh AIDS, và một người nhiễm HIV có thể chuyển từ giai đoạn 4 về giai đoạn 1, 2, 3 tùy thuộc vào việc tuân thủ điều trị ARV.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã chế tạo được nhiều loại thuốc tốt điều trị HIV/AIDS, mặc dù chưa có thuốc điều trị loại bỏ triệt để virus HIV trong máu, nhưng có thể duy trì tải lượng virus HIV máu ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của người nhiễm HIV. Do đó không xác định được AIDS giai đoạn cuối.

Như vậy, cần có điều chỉnh như việc quy định xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; đồng thời cần có các chính sách tạo điều kiện triển khai xét nghiệm sớm HIV và điều trị ngay sau khi được phát hiện nhiễm HIV.

Đặc biệt các quy định cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia nhiều hơn vào quá trình cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV/AIDS và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.

* Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện lũy tích số người nhiễm HIV đã xét nghiệm phát hiện 315.000 người, trong đó đã có 103.000 người nhiễm HIV tử vong. Hiện đã có ở 86% số xã, phường, thị trấn, 98% số quận huyện, thị xã, thành phố và 100% tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Trong số người nhiễm HIV hiện mắc có 75% là nam giới, 25% là nữ giới, nhóm tuổi từ 20 - 49 tuổi chiếm 83%, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 2%.

Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (sau đây gọi là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) được Quốc hội thông qua năm 2006. Sau gần 13 năm thi hành Luật đã có nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành tạo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Top