Cà Mau: Giúp trẻ nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, can thiệp

20/12/2019 18:14

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 2.766 người nhiễm HIV còn sống, 59 trẻ nhiễm HIV/AIDS. Để hỗ trợ cho trẻ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, tỉnh luôn chú trọng các hoạt động để giúp trẻ nhiễm HIV sớm tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, can thiệp và điều trị kịp thời.

 Chăm sóc, điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Phòng khám ngoại trú nhi thuộc Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau là cơ sở điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV duy nhất tại Cà Mau. Tại đây trẻ nhiễm HIV được trực tiếp theo dõi, chăm sóc và điều trị liên tục với dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và điều trị dành riêng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ, xét nghiệm, chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; Việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV, trong đó quy định rõ các chính sách riêng đối với nhóm trẻ em nhiễm HIV và trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng các chính sách, chương trình hành động liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng, như Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Chiến lược phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm hoạ dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020; Quy định bảo trợ xã hội đối với trẻ em nhiễm HIV tại Nghị định 136/2013 về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội...

Thời gian qua, công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, công tác tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được triển khai tại các cấp, các ngành, đoàn thể, các hội cho cán bộ cấp, tỉnh, huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác quản lý, trợ giúp và giám sát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do thiếu cơ chế, chính sách và mạng lưới cán bộ cũng như nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, biến động dân số, di dân ngày càng phức tạp, đã tạo ra nguy cơ lan truyền HIV/AIDS từ thành thị đến nông thôn, từ địa phương này sang địa phương khác. Một bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn đi làm ăn xa có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS và lây nhiễm khi trở về địa phương.

Đối với vấn đề này, Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt là trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho địa phương để bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới về công tác tuyên truyền, trợ giúp cho trẻ em bị ảnh hưởng và nhiễm HIV/AIDS.
Top