Cần có một chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, toàn diện

24/01/2020 14:19

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho rằng, trong tình hình hiện nay, có một chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, triển khai toàn diện, hiệu quả, ưu tiên can thiệp vào các nhóm nguy cơ cao là hết sức cần thiết. Việc này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội có thể chấm dứt dịch AIDS với số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/năm vào năm 2030.

 Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS

Chia sẻ ý kiến về việc tham vấn xây dựng mục tiêu quốc gia cho Chiến lược quốc gia tiến tới kết thúc dịch AIDS năm 2030, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều các văn bản pháp luật quan trọng nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS, trong đó có Luật phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Thời gian qua, các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược quốc gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, hoàn thành tốt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư vào năm 2020. Tuy nhiên, việc triển khai Chiến lược trong những năm qua còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số địa phương, đơn vị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa triển khai triệt để Chiến lược; một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Mức đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của nước ngoài.

Bên cạnh đó, các nguồn viện trợ quốc tế cũng ngày càng cắt giảm. Mặc dù tình hình HIV/AIDS đã giảm, nhưng diễn biến dịch vẫn còn phức tạp. Tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng ở một số nhóm, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm nghiện chích ma túy. Lây nhiễm qua đường tình duc gia tăng, các trường hợp nhiễm mới ngày càng trẻ hóa. Trước tình  hình  này, một Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, triển khai toàn diện, hiệu quả, ưu tiên can thiệp vào các nhóm nguy cơ cao là hết sức cần thiết, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội có thể chấm dứt dịch AIDS với số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/năm vào năm 2030.

Ông Taoufik Bakkali, cố vấn cấp cao cấp Khu vực về Thông tin Chiến lược Văn phòng UNAIDS Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chia sẻ Một số cân nhắc về xây dựng mục tiêu/chỉ tiêu quốc gia truyền cảm hứng cho ứng phó hướng tới Chấm dứt dịch AIDS để nó không còn là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng. Ông cho biết: Trọng tâm không chỉ là thiết lập các mục tiêu/chỉ tiêu bằng dạng con số mà còn là con đường đi đến mục tiêu/chỉ tiêu thông qua các hành động, chương trình và phương pháp tiếp cận, bao gồm cả các yếu tố hỗ trợ xã hội.

Tập trung vào các nhóm chỉ tiêu

Chi sẻ về nội dung dự thảo Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm - Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, dự thảo Chiến lược gồm 3 Phần: Bối cảnh ban hành Chiến lược; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ tiêu: Nhóm chỉ tiêu tác động, nhóm chỉ tiêu về dự phòng, nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm, nhóm chỉ tiêu về điều trị, nhóm chỉ tiêu về hệ thống y tế.

11 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về chính trị và xã hội; Nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; nhóm giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV; nhóm giải pháp về tư vấn xét nghiệm HIV; nhóm giải pháp về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; nhóm giải pháp về giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính; nhóm giải pháp về nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về cung ứng và nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế.

Theo dự kiến, Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2030 sẽ trình Chính phủ vào tháng 5 năm 2020 và phê duyệt vào tháng 7 năm 2020.

Từ những trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện gần 40 năm trước (1981) đến nay trên thế giới đã có hơn 72 triệu người nhiễm HIV và gần một nửa trong số đó đã chết. Tại Việt Nam, từ năm 1990 đến nay đã ghi nhận trên 315.000 người nhiễm HIV, và hơn 100.000 người bị tử vong.

Nhờ sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng quốc tế, đại dịch HIV/AIDS, từng gây kinh hoàng ở nhiều nơi, từng bước được kiểm soát, giảm dần số người nhiễm HIV mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong.

Sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS ở nhiều nơi đã không còn. Từ chỗ bị coi là người xấu, giờ đây người nhiễm HIV/AIDS được nhìn nhận như những bệnh nhân cần được chăm sóc, chia sẻ. Với tiến bộ của y học, những người nhiễm HIV không còn mang “bản án tử hình” nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ở Việt Nam, năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người bị chết vì căn bệnh này đều giảm.

Hiện cả nước có 140.000 người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Bắt đầu từ năm 2019, người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng nguồn thuốc ARV của bảo hiểm y tế (BHYT). Đến hết 30/10/2019 có hơn 41.000 bệnh nhân đã được Quỹ BHYT thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT trong bệnh nhân điều trị thốc ARV đến hết 30/9/2019 là 90%. Bên cạnh đó, có gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV; hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị thay thế bằng Methadone. Mỗi năm, chúng ta đã xét nghiệm HIV cho khoảng 3 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm.
Top