Can thiệp dựa trên bằng chứng điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy

11/04/2019 08:54

Nghiên cứu triển khai chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng về tư vấn xét nghiệm và chuyển gửi điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy ở Việt Nam, có chia ngẫu nhiên theo cụm (SNaP) sẽ được tiến hành trong vòng 5 năm (2019–2023) tại 42 cơ sở tư vấn và xét nghiệm HIV tại 10 tỉnh của Việt Nam.

 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, các tỉnh bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, TP.HCM, Long An, Khánh Hòa. Đây là 10 tỉnh trọng điểm về dịch HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy, đại diện cho các khu vực địa lý của Việt Nam.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Trường đại học North Carolina Hoa Kỳ (UNC), Dự án UNC Việt Nam và trường Đại học Y Hà Nội tổ chức cuộc họp về “Nghiên cứu triển khai chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng về tư vấn xét nghiệm và chuyển gửi điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy ở Việt Nam, có chia ngẫu nhiên theo cụm” (SNaP).

PGS.TS. Đào Thị Minh An - Trưởng bộ môn Dịch Tễ học, Trường Đại học Y Hà Nội (HMU) cho biết, trong mỗi tỉnh, Trung tâm Y Tế quận/huyện có số lượng khách hàng là người tiêm chích ma túy lớn được lựa chọn tham gia nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là Giám đốc và Cán bộ Trung Tâm Y tế quận/huyện và gần 6.200 người tiêm chích ma túy dương tính với HIV.

Mục đích của nghiên cứu triển khai nhằm xác định và giải quyết các trở ngại cụ thể nhằm đạt được sự thành công cho quá trình triển khai mở rộng một can thiệp, đồng thời tập trung vào chất lượng của việc triển khai can thiệp trên diện rộng hơn là tập trung vào hiệu quả của can thiệp.

GS.TS. Vivian F. Go, trường Đại học North Carolina tại Chapel Hill (UNC) cho hay, lý thuyết nghiên cứu thực hành, nội dung của can thiệp SNaP và kế hoạch, thời gian triển khai nghiên cứu SNaP nhấn mạnh ý nghĩa của khoa học triển khai, các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu, kế hoạch hoạt động năm 2019 cũng như vai trò của các bên tham gia nghiên cứu.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng thảo luận về kế hoạch triển khai dự án SNaP tại Việt Nam trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo: làm thế nào để đạt được sự đồng thuận từ tất cả 42 cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam; Vấn đề luân chuyển nhân sự tại các cơ sở nghiên cứu; Năng lực thực hiện can thiệp - nhân lực và cơ chế liên lạc hỗ trợ cho hệ thống hỗ trợ chuyển gửi và tư vấn; Thu thập thông tin về tiếp nhận điều trị ART, MAT; Cách phối hợp hiệu quả nhiều đối tác giữa UNC, HMU, VAAC, các cơ sở nghiên cứu tại địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị: Nghiên cứu cần làm rõ hơn trong phần thiết kế cũng như các can thiệp chuẩn và tùy chỉnh; xem lại tính khả thi của đối tượng nghiên cứu vì dễ mất dấu và cân nhắc hiệu quả tăng thêm hy vọng ở mức nào, tỷ lệ chuyển gửi. Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ triển khai nghiên cứu với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.
Top