Cao Bằng: Điều trị Methadone đạt 130% chỉ tiêu Chính phủ giao

18/07/2019 13:23

So với chỉ tiêu của Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Cao Bằng đã vượt chỉ tiêu là 130%.

 Điều trị Methadone cho người nghiện tại Cao Bằng. Ảnh: Thùy Chi

Hơn 70 nghìn người được truyền thông trực tiếp HIV

Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến tháng 6/2019, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV toàn tỉnh là 2.339, lũy tích bệnh nhân AIDS là 1.656 người, có 1.279 trường hợp đã tử vong do AIDS, số bệnh nhân điều trị HIV còn sống là 1.060 người (trong đó số trẻ em nhiễm HIV còn sống là 21 trẻ).

Trong năm 2018, nhiễm HIV mới là 33 trường hợp nhiễm HIV (giảm 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017), có 4 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (bằng với cùng kỳ năm 2017), 6 trường hợp mới tử vong (giảm 5 trường hợp so với với cùng kỳ năm 2017).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, phát hiện 18 trường hợp nhiễm HIV mới và 02 trường hợp mới tử vong. Tỷ lệ người nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm người nghiện chích ma túy (87,5%); huyện Trùng Khánh, Hòa An Thành phố Cao Bằng có số người nhiễm HIV cao nhất của tỉnh (chiếm khoảng 70% số người nhiễm HIV).

Trong thời gian qua, để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, địa phương đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể, đẩy mạnh chương trình thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, hàng năm, truyền thông trực tiếp cho khoảng 70.000 lượt người, các pano, khẩu hiệu về phòng chống HIV được sửa chữa và làm mới. Tổ chức sản xuất, in ấn và cấp phát trên 80.000 tờ rơi, trên 2.000 sách mỏng  và 1.000 quyển tạp chí AIDS và cộng đồng.

Chương trình cấp phát bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy được triển khai tại các huyện/thành phố với 55 điểm tự cấp bơm kim tiêm và 14 nhân viên tiếp cận cộng đồng. Hàng năm thực hiện cấp phát trên 300.000 ngàn chiếc bơm kim tiêm sạch và trên 60.000 chiếc bao cao su.

Về hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện: Cao Bằng có 14 điểm tư vấn xét nghiệm HIV (01 phòng tại CDC, TTYT Thành phố: 2 (Ngọc Xuân, Tân Giang và 11 huyện): Trong năm 2018, thực hiện tư vấn cho 3.008 trường hợp là các đối tượng nghiện chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV phát hiện 78 trường hợp nhiễm HIV (2,5%). Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã thực hiện tư vấn cho 2.018 trường hợp, phát hiện 13 trường hợp nhiễm HIV (6,4%).

Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai tại tỉnh từ tháng 3/2014 với Cơ sở điều trị đầu tiên đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Tháng 12/2015, địa phương đã mở thêm 01 cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa An. Từ năm 2017 đến năm 2018 đã mở thêm 05 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các huyện: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Nguyên Bình, Phục Hòa, Bảo Lâm.

Sau hơn 05 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 6 huyện và Thành phố Cao Bằng đã đạt được những kết quả: cải thiện sức khỏe cho người bệnh, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cho mỗi cá nhân và gia đình có người nghiện ma túy; tuy nhiên có một số bệnh nhân xa cơ sở điều trị, chưa uống thuốc đều hàng ngày, số người bỏ điều trị năm 2018 là 309 người; 6 tháng đầu năm bỏ trị là 85 người.

So với chỉ tiêu của Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Cao Bằng đã đạt 976/750 (130%).

Trong năm 2019, dự kiến địa phương sẽ triển khai mở mới thêm 03 cơ sở điều trị Methadone tại 03 huyện: Trà Lĩnh, Thạch An và Hà Quảng để đáp ứng nhu cầu điều trị của người nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh.

Cải thiện hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV

Bên cạnh các hoạt động can thiệp giảm hại, hoạt động giám sát phát hiện được địa phương thực hiện tại tất cả các huyện/thành phố thông qua hệ thống báo cáo về số người nhiễm HIV mới, bệnh nhân chuyển AIDS mới, bệnh nhân tử vong mới phát hiện hàng tháng. Trong năm 2018, đã thực hiện xét nghiệm được 3.312 mẫu giám sát phát hiện (đạt 100% chỉ tiêu), 6 tháng đầu năm 2019, thực hiện xét nghiệm được 925 mẫu, đạt 46,2% kế hoạch.

Hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được chú trọng. Toàn tỉnh có 03 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS trong đó: Bệnh viện đa khoa tỉnh: 02 phòng khám (gồm 01 phòng khám ngoại trú người lớn và 01 phòng khám ngoại trú trẻ em); Trung tâm Y tế Thành phố: 01 phòng khám ngoại trú người lớn. Từ tháng 3/2019, hoạt động chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV đã thực hiện chi trả qua nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh hoạt động chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV tại các phòng khám, người nhiễm HIV/AIDS còn được tư vấn, chăm sóc và điều trị thông thường tại cộng đồng.

Tính đến 10/6/2019, tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV là 603 người (giảm 7 trường hợp so với cuối năm 2018), trong đó có 21 bệnh nhân trẻ em (bằng năm 2018); 100% bệnh nhân tham gia điều trị đã có thẻ bảo hiểm y tế, năm 2018 có 91 bệnh nhân và năm 2019 có 118 bệnh nhân được UBND tỉnh hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh (Khoa sản), còn lại là cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn và chuyển tiếp được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố. Hàng năm đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho trên 6.000 phụ nữ mang thai (trong đó có tổng số 06 phụ nữ mang thai và con của họ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con).

Hoạt động khám sàng lọc Lao ở bệnh nhân HIV và xét nghiệm HIV ở bệnh nhân Lao được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ người nhiễm HIV mắc lao được điều trị đồng thời lao và HIV đạt 100%.

Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo, đề cao vai trò của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đến các tầng lớp nhân dân, qua đó xác định trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm; mở rộng hoạt động điều trị ARV, phấn đấu đến năm 2020: 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập tuyến huyện thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV nhằm tăng số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, tư vấn HIV tại cộng đồng. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho những bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV.

Tiếp tục duy trì hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 7 cơ sở điều trị. Năm 2019 mở rộng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại huyện Trà Lĩnh, Thạch An, Hà Quảng; đến năm 2020 đảm bảo 100% các huyện trong tỉnh triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Củng cố và cải thiện hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV; kết nối liên thông với hệ thống quản lý người nhiễm HIV trên toàn quốc. Trong Quý IV năm 2019, Cao Bằng sẽ triển khai ứng dụng và vận hành hệ thống quản lý điều trị Methadone cấp Quốc gia, đồng thời hoàn thành việc triển khai phần mềm quản lý điều trị Methadone trên toàn tỉnh.
Top