Cao Bằng: Hơn 1.300 người tử vong do AIDS

08/01/2021 13:55

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cao Bằng, tính đến ngày 30/10/2020, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV toàn tỉnh là 2.411 người, tại 121/161 xã, phường, thị trấn; lũy tích bệnh nhân AIDS 1.671 người, 1.318 người tử vong do AIDS. Số bệnh nhân còn sống 1.093 người, trong đó, 9 trẻ em nhiễm HIV còn sống.

 Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trên địa bàn. Ảnh: TTKSBT

Mỗi năm ngành Y tế tỉnh tư vấn xét nghiệm từ 3.200 - 3.500 người, 100% trường hợp dương tính được chuyển đến các phòng tư vấn xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị ARV; cấp phát trên 40.000 chiếc bơm kim tiêm sạch và trên 20.000 chiếc bao cao su.

Công tác truyền thông thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông trực tiếp, tư vấn, cung cấp kiến thức phòng chống HIV/AIDS được tổ chức được trên 1.000 buổi với hơn 400.000 lượt người tham dự; phát sóng hơn 100 phóng sự, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS trên Đài Phát thanh -Truyền hình Cao Bằng. Cấp phát tờ rơi, cổ động đường phố, treo băng zôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Công an tỉnh phối hợp với các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thực hiện tốt khảo sát các đối tượng ma túy, mại dâm và có các biện pháp quản lý và giáo dục cảm hóa.

Công tác giám sát phát hiện HIV/AIDS được thực hiện tại 10/10 huyện, thành phố thông qua hệ thống báo cáo về người nhiễm HIV, bệnh nhân chuyển AIDS, bệnh nhân tử vong mới phát hiện hằng tháng và báo cáo kết quả xét nghiệm phát hiện HIV. Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện 6.000 - 8.000 mẫu xét nghiệm HIV, mỗi năm phát hiện nhiễm HIV mới trung bình khoảng 50 trường hợp. Trong giai đoạn năm 2018 - 2020, mỗi năm phát hiện nhiễm HIV mới trung bình khoảng 50 người, giảm từ 30% - 40% so với các năm của giai đoạn 2010 - 2015. Tính từ đầu năm 2000 đến ngày 30/10/2020, toàn tỉnh đã thực hiện 5.245/6.000 mẫu (đạt 87,41% so với kế hoạch), phát hiện được 45 trường hợp nhiễm mới.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được mở rộng ra tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, số bệnh nhân đang điều trị là 1.301 người tại 12 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Nguồn lực bảo đảm tài chính của tỉnh trực tiếp hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho người nhiễm HIV để duy trì điều trị thuốc ARV liên tục và suốt đời. Hiện, tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV toàn tỉnh là 615 người, trong đó có 96% bệnh nhân được điều trị thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế.

Có thể thấy, với các giải pháp tích cực được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã góp phần từng bước kiềm chế sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nhiễm HIV tăng chậm. Từ năm 2015 đến nay, số trường hợp nhiễm HIV mới và tử vong do giảm 50% so với trong giai đoạn 2010 - 2015. Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng; mở rộng phạm vi triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV đối với nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, huy động cộng đồng tham gia công tác xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại nhà và cộng đồng.

Từ năm 2021, công tác điều trị cho người nhiễm HIV từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ triển khai tại 100% huyện, Thành phố trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Top