Có nên giam giữ người bị AIDS giai đoạn cuối?

26/06/2020 18:02

Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối thì không nên đưa vào trại giam vì tính nhân văn.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng - Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã đề xuất bãi bỏ điều 42 do “không định nghĩa được AIDS giai đoạn cuối” trong điều này.

Theo đó, điều 42 áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

Cụ thể, tại khoản 1 là người đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Ở khoản 2: Người bị Toà án kết án mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù.

Tại khoản 3, người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao quy định cụ thể điều kiện công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này.

PGS.TS. Phạm Đức Mạnh đề nghị, mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo hiểm thực hiện được công tác giám sát, xét nghiệm, chuyển gửi, quản lý chăm sóc, điều trị ARV, gồm: Những người quản lý tại cơ sở điều trị, cán bộ về giám định bảo hiểm y tế (BHYT), cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS.

Đồng thời, đề nghị việc bỏ chính sách phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí để bảo đảm tính khả thi. Và đề nghị phạm nhân nên được điều trị HIV miễn phí.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoài Thu không đồng tình với việc bỏ điều 42. Bà Thu cho rằng những người nhiễm HIV/AIDS không phải do sa vào tệ nạn, sống buông thả. Theo bà Thu điều 42 thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Người mắc AIDS giai đoạn cuối của căn bệnh mà nhốt vào trại giam thì khổ cực quá, nên cho họ về và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng tại nhà.

Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng nên cân nhắc về điều này: “Để cho người sắp chết mà ở trong tù vì ta không xác định được giai đoạn cuối của AIDS như thế nào. Vậy nên bỏ hay chuyển sang hướng khác?”, ông Phong nói.
Top