Đồng Nai: Tuân thủ điều trị tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

16/06/2020 16:29

Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng để tránh lây truyền HIV cho con trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. Nhờ việc tuân thủ điều trị tốt, hầu hết trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không nhiễm HIV, có sức khỏe tốt.

 Bệnh nhân chờ lấy thuốc ARV tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: TTKSBT tỉnh

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác này là tỷ lệ phát hiện lây truyền HIV từ mẹ sang con trong lúc chuyển dạ còn cao dẫn đến điều trị dự phòng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đáng lưu ý là hiện tỉnh chưa có phòng xét nghiệm PCR (xét nghiệm phát hiện tải lượng virus HIV) cho trẻ nên Đồng Nai vẫn phải gửi mẫu lên TPHCM để xét nghiệm…

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 64/67 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau sinh. Trong số đó, có 60 trẻ được làm xét nghiệm PCR đều âm tính với HIV. Trong 5 tháng đầu năm 2020, có 13 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau sinh. Trong đó 11 trẻ đã được làm xét nghiệm PCR và đều âm tính với HIV.

Hiện 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong toàn tỉnh đang được tư vấn và điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) tại 7/9 phòng khám ngoại trú OPC trong toàn tỉnh. Riêng tại phòng khám OPC của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 6 trường hợp hằng tháng đến khám, lãnh thuốc và xét nghiệm theo định kỳ cũng như theo chỉ định của bác sĩ.

Không chỉ thực hiện tư vấn, các nhân viên của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) còn tìm hiểu lịch sử thai kỳ của thai phụ, tìm hiểu nơi khám thai của thai phụ, việc chích ngừa uốn ván, xét nghiệm tầm soát, nơi dự kiến sinh… Từ đó, sẽ giới thiệu cho thai phụ đến những cơ sở y tế có thuốc dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh của thai phụ.

Nhờ được tư vấn, tuân thủ điều trị tốt mà có những bà mẹ nhiễm HIV nhưng sinh ra những trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Đơn cử như trường hợp của chị T.H. (ngụ H.Vĩnh Cửu), cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV nhưng từ khi có bầu, chị H. thường xuyên đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS để khám, lãnh thuốc, làm xét nghiệm đầy đủ. Năm 2017, chị H. sinh con đầu lòng không bị nhiễm HIV. Vì muốn có thêm con, sau đó chị H. tiếp tục tìm đến bác sĩ để được tư vấn, mang bầu và sinh con thứ hai vào tháng 5/2020. Kết quả, bé sinh ra âm tính với HIV.

Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV cho thai phụ nhiễm HIV có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân thai phụ, gia đình thai phụ, trẻ được sinh ra và đối với cả cộng đồng. Nếu điều trị sớm, điều trị liên tục sẽ giảm được tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, giúp bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Để bảo đảm em bé không bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang, thai phụ phải được điều trị ARV càng sớm càng tốt. Nếu trước khi mang thai, người mẹ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì các bà mẹ nên tầm soát HIV trước khi có kế hoạch mang thai. Hoặc khi đã mang thai thì trong 3 tháng đầu thai kỳ nên đi tầm soát HIV. Nếu được phát hiện nhiễm HIV thì cần điều trị càng sớm càng tốt.

Nếu phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV thì trước khi có thai cần phải hỏi ý kiến và được bác sĩ tư vấn kỹ, thực hiện xét nghiệm tải lượng virus. Khi bảo đảm các điều kiện cần thiết thì mới nên có thai.

Trong quá trình mang thai, thai phụ phải tuân thủ đúng sự chỉ định của bác sĩ bằng cách tái khám đúng hẹn, uống thuốc đúng liều, đúng giờ hằng ngày, làm các xét nghiệm theo đúng định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc, ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị, hạn chế tối đa việc quên uống thuốc, trễ giờ uống thuốc.
Top