Dự án EPIC hỗ trợ Bình Dương phòng, chống HIV/AIDS

18/01/2021 12:15

Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) đã góp phần hỗ trợ Bình Dương triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Góp phần giúp cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được kiện toàn, công tác quản lý bệnh nhân nhiễm HIV và điều trị methadone ngày càng củng cố, bệnh nhân tuân thủ điều trị ARV, cải thiện sức khỏe, việc làm, có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

 Tư vấn cho người nhiễm HIV tại Bình Dương. Ảnh: Thùy Chi

Từ tháng 1 đến tháng 11/2020, thực hiện dự án EPIC, Bình Dương có 530 mẫu máu được xét nghiệm Asante, trong đó có 76 mẫu máu có phản ứng với Asante, kết quả có 69 ca khẳng định nhiễm mới HIV.

Sau 27 năm phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, đến nay Bình Dương phát hiện 8.590 người nhiễm HIV, trong đó có 6.123 trường hợp người ngoài tỉnh. Hiện toàn tỉnh còn 3.939 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống đang quản lý tại cộng đồng.

Dịch HIV/ AIDS xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng về địa bàn xã, phường, kể cả vùng xa. Trong 9 huyện, thị, thành phố thì các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và TP.Dĩ An số ca nhiễm mới giảm. TP.Thuận An, TX.Tân Uyên số ca nhiễm mới tăng nhiều.

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV không còn tập trung trong một số nhóm có nguy cơ cao, mà đang có xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi thanh niên, nhất là nhóm tình dục đồng tính nam (MSM) trẻ tuổi. Số ca nhiễm HIV mới là người Bình Dương ngày càng giảm, số ca nhiễm mới là người ngoài tỉnh ngày càng nhiều.

Hiện nay, Bình Dương có hơn 1 triệu công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp nhưng số người lao động được tiếp cận với những kiến thức phòng, chống HIV/ AIDS vẫn còn hạn chế. Có nhiều trường hợp công nhân bị nhiễm HIV nhưng lo sợ bị sa thải bằng nhiều lý do khác nhau, sợ bị phân biệt đối xử, hoặc kỳ thị.

Mặc dù thời gian qua Bình Dương đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, hoạt động phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là sự kỳ thị, tự kỳ thị còn cao trong cộng đồng; nhiều người dân thiếu thông tin nên còn chủ quan với dịch bệnh, dẫn tới những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm chưa tiếp cận được các dịch vụ dự phòng. Trong khi đó, nguồn kinh phí viện trợ hiện đang cắt giảm nhanh, các nguồn ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế chưa kịp bù đắp sự thiếu hụt tài chính. Do đó, với các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng do không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao...

Để dự án EPIC đạt hiệu quả trong năm 2021 Bình Dương tiếp tục xây dựng kế hoạch tìm ca nhiễm tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; xây dựng kế hoạch hoạt động tại cơ sở điều trị và nâng cao năng lực phòng xét nghiệm khẳng định HIV...

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thời gian tới địa phương tăng cường hơn nữa cam kết đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, triển khai các hoạt động theo 11 giải pháp trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả và tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Top