Dự phòng, hỗ trợ và chăm sóc cho người sử dụng ma túy dạng kích thích nhiễm HIV

24/06/2020 14:00

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Văn phòng Liên Hợp quốc về Ma túy và tội phạm (UNODC), Trung tâm hỗ trợ và sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) và Đại học Y dược TPHCM tổ chức tập huấn và đối thoại chính sách về Dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV cho người sử dụng ma túy dạng kích thích.

 Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Thanh Tùng

Chủ trì hội thảo có TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS.TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch ban điều phối Quỹ Toàn Cầu (CCM) tại Việt Nam; bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM; Ths. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

Cùng tham dự còn có đại diện các bộ, sở ngành liên quan và 12 tỉnh, thành phố là: thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Bình và Ninh Bình.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao việc tổ chức hội thảo tập huấn Dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV cho người  sử dụng ma túy dạng kích thích và sự tham gia của các đại biểu. Việc can thiệp cho những người sử dụng ma túy tổng hợp tại Việt Nam là vấn đề mới, khó khăn và đặc biệt cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức Quốc tế.

TS. Hoàng Đình Cảnh đưa ra một số định hướng triển khai hoạt động can thiệp cho người nghiện ma túy tổng hợp như: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan hoàn thiện chính sách để triển khai các hoạt động can thiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai cho người sử dụng ma túy tổng hợp  bao gồm các mô hình phù hợp với từng đối tượng tại cơ sở Methadone và tại cộng đồng và sẽ xây dựng cơ chế phối hợp và triển khai đào tạo và tập huấn điều trị nghiện ma túy tổng hợp một cách phù hợp.

Tại buổi tập huấn, đại diện UNODC giới thiệu về tình hình dịch HIV và sự phổ biến của chất kích thích trên toàn cầu; đại diện trường Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, giới thiệu về chất kích thích và người sử dụng chất kích thích và nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; các can thiệp cốt lõi và giảm tác hại đối với ATS và chăm sóc và hỗ trợ cho người sử dụng chất kích thích, những người hỗ trợ then chốt.

Đại diện trung tâm SCDI chia sẻ về đặc điểm của thanh niên trẻ sử dụng ma tuý - Báo cáo từ dự án Bảo vệ tương lai. Đặc biệt, các đại biểu được chia sẻ trực tuyến về Chem sex (Sử dụng ma túy và quan hệ tình dục) từ TS. Monica Ciupagea, chuyên gia UNODC quốc tế và Chương trình can thiệp ATS&HIV cấp khu vực: Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai của bà Karen Peters (Cố vấn vầ Ma túy&Y tế, Văn phòng UNODC Khu vực Châu Á Thái Bình Dương).

Theo báo cáo của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy, đến ngày 1/7/2019, cả nước có 230.767 người nghiện có hồ sơ quản lý, 58 địa phương có người nghiện tăng. Trong đó số người nghiện ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng; theo số liệu báo cáo từ 21 địa phương có thống kê, phân loại, số người sử dụng ma túy tổng hợp là 15.447 người (chiếm 46% số người sử dụng ma túy). Đáng lưu ý, có một số địa phương có tỷ lệ trên 80% như Trà Vinh 90,7%; Đà Nẵng 86%; Quảng Trị 84%...số người mới sử dụng ma túy bị phát hiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần thay vì các loại ma túy truyền thống.

Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ở nước ta có sự gia tăng về số lượng, đa dạng về thành phần và ở các độ tuổi khác nhau. Trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp chủ yếu tụ tập đến các điểm công cộng như Vũ trường, CLB nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh và tập trung ở các quận nội thành ở các thành phố lớn, nhưng đến nay đã lan sang các điểm kín đáo như quán karaoke, bar nhỏ, cơ sở lưu trú và sang các huyện, thị ở ngoài thành ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa...
Top