Gia Lai: Tăng cường sự lãnh đạo trong phòng, chống HIV/AIDS

26/06/2020 15:10

Để đẩy lùi dịch HIV/AIDS, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, 15 năm qua, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Đẩy lùi kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành tiến hành nghiêm túc, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 Bàn truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai với nhiều cách làm có hiệu quả. Bước đầu đã phát huy sức mạnh của toàn xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, từng bước củng cố, hoàn thiện và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư phát huy truyền thống tương thân, tương ái, cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Đồng thời, tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Với cách làm đó, đã huy động được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế, chăm sóc, điều trị người bệnh.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma túy, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp; đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, tổ chức sử dụng trái phép ma túy theo từng nhóm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Trong khi đó, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa thực hiện đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Công tác phối hợp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS chưa được thường xuyên, sâu rộng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, kinh nghiệm và không ổn định, hầu hết cán bộ kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Sự hỗ trợ xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, nhất là tạo công ăn việc làm để ổn định cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Việc cung cấp các dịch vụ can thiệp nhằm giảm lây lan nhiễm HIV cho nhóm người dễ lây lan triển khai thực hiện còn hạn chế...

Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS

Cùng với các hoạt động can thiệp giảm hại, tỉnh thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức và hành vi. Từ năm 2005 đến nay, các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên. Các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú với các hình thức tuyên truyền, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, bản tin, các buổi tọa đàm, hoạt động thể dục - thể thao…; đã tổ chức được 49.950 buổi cho trên 1,9 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

Công tác giáo dục pháp luật phòng, chống HIV/AIDS được tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và trong mọi tầng lớp nhân dân. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự phản ánh công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương, cơ sở.

Hình thức tuyên truyền đa dạng như: Phát tờ bướm, treo băng rôn, pa nô, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, xây dựng kịch bản và tổ chức biểu diễn sân khấu hóa, tổ chức thi sáng tác các loại hình nghệ thuật, thi cán bộ giỏi của các đoàn thể, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng...; thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát thanh - truyền hình, trên các báo viết, báo điện tử, phim phóng sự, tọa đàm, trao đổi…, đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông cũng được chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học sinh là lực lượng đông đảo nhất, tham gia tích cực các cuộc thi tìm hiểu về ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS do tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và nhà trường tổ chức; ở hầu hết các cấp học đều tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: Nói chuyện dưới cờ, ngoại khóa, tham gia diễu hành, mời các bác sỹ chuyên trách về nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và sự nguy hại của tệ nạn ma túy; lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên để trang bị kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Đặc biệt, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS còn được lồng ghép với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép tiêu chí không có bạo lực gia đình, không vi phạm các tệ nạn xã hội... để xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Đa số các gia đình đều thực hiện tốt các tiêu chí kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3, vì vậy số gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2005, có 76.500/219.927 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 34,78%; đến cuối năm 2019 có 274.924/346.856 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ79,3% (tăng 44,6%).

Lấy dự phòng là chính

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS được nâng lên. Các lực lượng trong xã hội đã tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhiều chương trình, phong trào phòng, chống HIV/AIDS được phát động và được hưởng ứng đã góp phần xây dựng gia đình văn hóa, môi trường sống lành mạnh, thân thiện, không có ma túy, không có HIV/AIDS.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 54-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, đến từng người dân, từng gia đình, nhất là đối tượng thanh thiếu niên và nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, đồng tính nam...), nhằm chuyển tải những kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, xây dựng thái độ, hành vi ứng xử và nhận thức đúng đắn về nguy cơ và hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS; chống phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS lấy dự phòng là chính. Gắn công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội với xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh...

Tăng cường các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư; chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và các phong trào dựa vào cộng đồng nhằm huy động toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của các ban chỉ đạo, đội ngũ cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường phối hợp liên ngành tuyên truyền vận động, giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phòng, chống HIV/AIDS, có chính sách đãi ngộ và tạo điều kiện phát huy năng lực của đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các cấp, gắn kết chặt chẽ việc đào tạo với sử dụng.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, để hạn chế lây truyền HIV/AIDS ra cộng đồng. Thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong lĩnh vực y tế, quản lý bệnh lây truyền qua đường tình dục, không kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp người bệnh HIV/AIDS hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Top