Mảnh ghép yêu thương từ PrEP

30/09/2019 17:00

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có hơn 3.200 khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP, hy vọng con số này sẽ tăng ở mức 15.000 người trong thời gian tới.

 PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thùy Chi

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng tổ chức sự kiện cộng đồng với chủ đề: “PrEP - Mảnh ghép yêu thương” nhằm quảng bá về gói dịch vụ dự phòng điều trị kết hợp từ xét nghiệm tới PrEP, điều trị ARVs và K=K.

Sự kiện đồng thời thúc đẩy văn hoá và nhu cầu chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân trong cộng đồng MSM - TG (cộng đồng những người đồng tính nam và chuyển giới) thông qua sử dụng PrEP kết hợp với các biện pháp dự phòng khác.

“PrEP - Mảnh ghép yêu thương” có sự tham gia của PGS, TS Phan Thị Thu Hương; Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam John Blandford cùng gần 300 đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ sở y tế, các tổ chức cộng đồng... 

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cho biết: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV - hay gọi là PrEP là một trong những sự can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV dành cho nhóm có nguy cơ cao như MSM-TG, người tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.

Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV (như điều trị ARV sớm và duy trì tải lượng HIV ở mức dưới 200 bản sao/mL) thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV - hay gọi là PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao như MSM, người chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. PrEP là biện pháp dự phòng nhiễm HIV bằng cách uống thuốc kháng HIV đều đặn hằng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV. Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 92%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Người sử dụng PrEP được tư vấn, được theo dõi quá trình dung nạp thuốc cũng như tác dụng phụ và điều trị các bệnh lây nhiễm khác qua đường tình dục. Do vậy, người sử dụng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

"Thuốc kháng HIV được cung cấp miễn phí. Đây cũng là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao”, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.

Đến nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án/tổ chức triển khai dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Nguyên, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang) với 43 cơ sở y tế tư nhân và nhà nước.

 Tư vấn về PrEP cho cộng đồng người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Tại sự kiện “PrEP - Mảnh ghép yêu thương”, các khách mời được chia sẻ chuyên môn từ bác sĩ, kinh nghiệm cá nhân từ chính những khách hàng đang sử dụng PrEP và có màn thảo luận sôi nổi về chủ đề này như cách dùng PrEP, tác dụng phụ của PrEP, những sai lầm cần tránh khi dùng PrEP.

Bên cạnh việc mang đến những thông tin bổ ích về PrEP là các màn trình diễn âm nhạc - thời trang cùng các trò chơi với các sáng tạo độc đáo. Ngoài cung cấp kiến thức về PrEP, nhà tổ chức còn hỗ trợ tư vấn PrEP và xét nghiệm sàng lọc nhanh HIV tại sự kiện cho khách mời tham dự.
Top