Mở rộng độ bao phủ BHYT cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV

07/04/2020 15:07

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, để trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, khám, chữa bệnh tốt nhất, thời gian tới, ngành Y tế tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về Kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đồng thời mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ BHYT cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV.

TS. Hoàng Đình Cảnh thăm trẻ nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới, trong đó có rất nhiều trẻ nhiễm HIV phải chịu thiệt thòi vì bị phân biệt đối xử, kỳ thị.

Trên thực tế, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ, làm ảnh hưởng đến quyền của trẻ, nhất là quyền được học tập. Hiện nay, việc trẻ nhiễm HIV tiếp cận BHYT còn thấp, do nhiều trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn, chưa nhận thức được sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng, cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến gia đình người nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy... 

TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, do quy định về bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS, nên cán bộ y tế còn dè dặt trong việc cung cấp thông tin về người nhiễm HIV cũng như trẻ nhiễm HIV cho các bên liên quan, khiến công tác phát hiện các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ.

Việc thiếu thông tin, không cập nhật đầy đủ thông tin về trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV đã hạn chế đáng kể đến việc triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ trẻ em của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và ngành Giáo dục – Đào tạo. Ngoài ra, việc thiếu chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên làm công tác trợ giúp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng dẫn đến tình trạng trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/ADIS không được phát hiện kịp thời để có các biện pháp trợ giúp phù hợp và hiệu quả.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình chăm sóc toàn diện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ năm 2010. Cục đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương, đồng thời phối hợp với các chuyên gia xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Đây là bộ công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi việc thực hiện kế hoạch cũng như đánh giá kết quả, hiệu quả của kế hoạch đến năm 2020, làm cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Ngoài ra, công tác truyền thông giáo dục về Luật và kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được triển khai rộng khắp trên cả nước, giúp mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề để vượt qua rào cản tâm lý. 

Đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng để bảo đảm quyền lợi cho trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

TS. Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, việc bám sát các chương trình hành động quốc gia để tiếp tục mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, ưu tiên duy trì điều trị ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; đồng thời thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh…

Bản thân trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là những nạn nhân, vì vậy, trẻ cần sự chia sẻ, hỗ trợ chung tay của cộng đồng. Do đó, cộng đồng cần thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ những hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với trẻ nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để giúp trẻ sống và được tiếp cận các dịch vụ như những trẻ bình thường khác.

Thùy Chi

Top