Nâng cao kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

01/10/2019 14:20

Trong 2 ngày (30/9-1/10), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ, phóng viên và biên tập viên cơ quan thông tấn báo chí các tỉnh Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai về chiến dịch tuyên truyền “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) trong phòng, chống HIV/AIDS.

 TS. John Blandford phát biểu tại lớp tập huấn

Tại buổi tập huấn, TS. John Blandford, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu một người sống chung với HIV đạt ngưỡng ức chế virus ở mức không phát hiện được thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV sang cho bạn tình của họ.

Chính vì vậy, cần xóa bỏ những kỳ thị cũng như mọi rào cản với người nhiễm HIV và nhóm người nguy cơ cao. Đồng thời, động viên mọi cá nhân có nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, để họ có thể được điều trị ARV sớm hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho những người âm tính, qua đó có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV.

Theo đó, TS. John Blandford thông tin về tầm quan trọng của ức chế virus HIV đối với người bệnh, cán bộ y tế và cộng đồng; những bằng chứng khoa học của K=K và vai trò của K=K trong thực hiện mục tiêu 90-90-95.

K=K tại Việt Nam có vai trò trong việc kiểm soát dịch và loại bỏ 3 nguyên nhân chính gây kỳ thị với HIV: HIV/AIDS là bệnh vô phương cứu chữa, kỳ thị về đường lây hay hành vi dẫn đến lây nhiễm HIV là mắc bệnh suốt đời.

Cục Phòng chống, chống HIV Việt Nam đồng thuận trong việc mở rộng chương trình K=K tại Việt Nam. Bởi bằng chứng khoa học chứng minh rằng: “Khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện được, được xác định bằng tải lượng virus HIV dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục”.

Ths.BS Cao Kim Thoa và Ths.BS Đỗ Hữu Thủy, đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã làm rõ về những diễn biến tự nhiên của nhiễm HIV, tổng quan điều trị ARV. Bên cạnh đó là tình hình dịch HIV/AIDS và mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, thông điệp của K=K cũng như tầm quan trọng của việc lan tỏa thông điệp K=K trong dự phòng lây truyền HIV và vai trò của báo chí trong tuyền thông K=K tại cộng đồng.

Ngoài ra, học viên còn được giảng viên phổ biến về vai trò dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và các thông điệp cần chuyển tải về PrEP. Lớp tập huấn còn dành thời gian đi thực tế và bình luận một số bài viết về HIV/AIDS, từ đó rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông nhằm chuyển tải các thông điệp tốt hơn đến cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng sức khỏe của mình, trong đó khoảng 70% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Lớp tập huấn giúp học viên cách tiếp cận và nguyên tắc chung cho phóng viên khi viết về HIV/AIDS.
Top