Phát hiện quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90

04/12/2019 14:53

95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình của mình. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tạ hội nghị. Ảnh: Thùy Chi

Thông tin này được khẳng định tại Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam do Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, ngày 4/12.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, hiện cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống và tích lũy đến nay có trên 100.000 người tử vong do AIDS”.

Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9/2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rus ARV cho trên 142.000 người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần số với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV.

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị Methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần người dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Bên cạnh việc mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả 9 tháng đầu năm 2019 có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (<100 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu).

Song song với các hoạt động trên, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ… Hiệu quả dự phòng nhiễm HIV của PrEP nếu tuân thủ tốt lên đến từ 95-97%.

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng virus ARV hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc đạt được và duy trì tải lượng virus hơn mức không phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Bằng chứng khoa học này được khái quát bằng thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (viết tắt là K=K).

“Như vậy, tại Việt Nam, 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình của mình. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người số hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực; tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Chi

Đánh giá cao hoạt động K=K tại Việt Nam, bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỉ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới”.

Tại hội nghị, các đại biểu được trao đổi, chia sẻ những khó khăn thách thức và định hướng trong thời gian tới cũng như những khuyến cáo mới về điều trị HIV/AIDS trên thế giới, biện pháp can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho những người có hành vi nguy cơ cao, điều trị HIV theo tình trạng bệnh, cung cấp và thanh toán ARV qua bảo hiểm y tế.
Top