Phú Thọ: Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã

26/06/2019 11:18

Trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Phú Thọ đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã; bảo đảm cấp đủ test nhanh để xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ có thai và đối tượng có nguy cơ cao; bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV.

 Xét nghiệm, sàng lọc phát hiện sớm HIV. Ảnh" TT KSBT tỉnh

Thông qua việc xét nghiệm sớm, mỗi năm Phú Thọ đã phát hiện và điều trị thuốc kháng ARV cho trên 200 người nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ mang thai. 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền, góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình và cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có 26.455 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV, trong số đó đã phát hiện 11 trường hợp bị nhiễm HIV và được điều trị dự phòng. Những đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị dự phòng và 100% trẻ đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV.

Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp phụ nữ mang thai ở huyện Tân Sơn bị nhiễm HIV, được điều trị dự phòng và sinh con ra khỏe mạnh, không bị lây nhiễm.

Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết được tình trạng nhiễm HIV để sớm tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây. Xét nghiệm HIV sớm có thể thực hiện bằng cách lấy máu đầu ngón tay hoặc bằng dịch miệng và tiến hành ngay tại trạm y tế xã, phường, có kết quả sau 15-20 phút.

Thời gian qua, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang đạt hiệu quả rất tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai vì thiếu thông tin, kiến thức chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cùng với đó, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV vì lo sợ cộng đồng xa lánh, phân biệt kỳ thị nên đã giấu bệnh dẫn đến kết quả không mong muốn là đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Vì thế, để giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV yên tâm điều trị và sinh con khỏe mạnh rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ y tế, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng và sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, xã hội.

Để thực hiện thành công mục tiêu “Giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, thời gian tới ngành Y tế tỉnh tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, đặc biệt là dịch vụ cung cấp bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã; bảo đảm cấp đủ test nhanh để xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ có thai và đối tượng có nguy cơ cao;  bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” được triển khai từ ngày 1- 30/6 trên địa bàn tỉnh với các hoạt động truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả; tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng và trên hệ thống mạng xã hội. Nỗ lực của ngành Y tế tỉnh cùng sự chung tay góp sức, cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình và cộng đồng; giúp ước mơ được làm mẹ của những phụ nữ mang thai nhiễm HIV trở thành hiện thực.
Top