Quảng Ninh: Hơn 5 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn

19/11/2019 08:46

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, tính từ đầu vụ dịch đến nay, 172/186 xã/phường của 14/14 huyện/thị xã/thành phố đã phát hiện người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn là 5.464 người.

Gần 900 nghìn người được truyền thông về HIV/AIDS

Từ đầu năm 2019 đến này, địa phương đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chương trình phòng chống HIV/AIDS, từ công tác truyền thông thay đổi hành vi, đến can thiệp giảm thiểu tác hại, dự phòng trước phơi nhiễm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

 Chương trình điều trị Methadone giúp giảm thiểu người nhiễm HIV trên địa bàn. Ảnh: Thùy Chi

Các hoạt động nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,4%, địa phương đã triển khai đồng bộ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là đặc biệt quan trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Từ đầu năm 2019, địa phương đã kịp thời có những văn bản, chỉ đạo nhằn thực hiện tốt công tác này. Sở Y tế tỉnh đã chủ động phối hợp và đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động, phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. 

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở các địa phương đã được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng góp phần định hướng cho mọi người thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, 867.341 người đã được truyền thông về HIV/AIDS, phát hàng nghìn tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền về HIV, nhiều tin bài phóng sự về hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng đã được đăng tải với các nội dung phong phú, chính xác, kịp thời.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai mang lại hiệu quả thiết thực. Nhằm hướng tới mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Ngành Y tế Quảng Ninh cũng đã mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến cơ sở để có những can thiệp kịp thời, thích hợp. Nội dung tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí được đưa vào hoạt động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén cho các bà mẹ mang thai, tạo cơ hội để chị em được tiếp cận sớm các dịch vụ.

Từ năm 2011 đến nay, Quảng Ninh đã thành lập và duy trì 5 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn nhằm giúp cho người nghiện ma túy có cơ hội tiếp cận và điều trị thuốc methadone một cách dễ dàng.

Mở rộng chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau gần 8 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 2.214 bệnh nhân được điều trị methadone. Trong đó, bệnh nhân đang được điều trị tính đến ngày 30/9/2019 là 1.158 bệnh nhân. Còn 1.056 người dừng điều trị với nhiều lý do: Bị bắt vi phạm pháp luật, đi cai nghiện bắt buộc, tử vong do các bệnh liên quan, xin ra khỏi chương trình, chuyển đi cơ sở ngoài tỉnh. 

Đặc biệt, từ tháng 01/2019, việc điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus ARV được chuyển từ miễn phí sang hình thức thanh toán qua BHYT. Hiện toàn tỉnh có 4.899 người đang nhận thuốc ARV (người lớn: 4.786 đạt 98% ). Số bệnh nhân mới được điều trị là 153 trong đó có 94% bệnh nhân có thẻ BHYT. 100% trường hợp phơi nhiễm đã được điều trị kịp thời.

Tại Quảng Ninh cũng đã triển khai hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong thời gian tới địa phương sẽ mở rộng chương trình tại Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả và Trung tâm y tế Vân Đồn.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Ngành Y tế tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho mạng lưới y tế các cấp, nhất là tuyến y tế cơ sở, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị y tế, các địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Nhờ đó mà, Số người nhiễm HIV được điều tra xác định mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2019 là 135 người, giảm so với cùng kỳ năm 2018 là 162 người, số người tử vong do HIV/AIDS giảm qua các năm.

Để hoàn thành mục tiêu 90-90-90 tức là có 90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, Quảng Ninh đã tăng cường các hoạt động truyền thông, tiếp cận cộng đồng, can thiệp giảm thiểu tác hại, không ngừng mở rộng các cơ sở xét nghiệm để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. mặt khác, thuốc ARV đã được thanh toán qua BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh từ tháng 1 năm 2019 và đến năm 2020 sẽ được mở rộng ra các cơ sở điều trị khác.

Đặc biệt với thông điệp “K=K” tức là không phát hiện bằng không lây nhiễm, đối với những bệnh nhân điều trị ARV mà kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không lây truyền HIV sang bạn tình hoặc từ mẹ sang con và để đạt được điều này thì tất cả bệnh nhân đang điều trị ARV cần phải xét nghiệm 2 lần trong 1 năm để biết được hiệu quả của mình.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả trẻ em; tăng cường trách nhiệm của cá nhân trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tập trung hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm được điều trị bằng ARV, 90% người điều trị bằng ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng cho phép). Đồng thời, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,42%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ trì tổ chức và hướng dẫn các ban, ngành, huyện/thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện truyền thông phòng chống HIV/AIDS: Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.

Cùng với đó, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Top