Sơn La: Tăng cường dự phòng lây nhiễm 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con

05/06/2020 08:36

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, mỗi năm có khoảng 30.000 phụ nữ mang thai và trên 20.000 phụ nữ sinh đẻ, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,13%/năm; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm từ 30-40%/năm.... Điều này cho thấy, việc triển khai dự phòng lây nhiễm 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con là rất quan trọng.

  Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Sơn La. Ảnh: Thùy Chi

Dự phòng lây truyền từ mẹ sang con trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ năm 2008. Hiện dịch vụ dự phòng, kiểm soát HIV/AIDS, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con ở Sơn La được thực hiện thông qua hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữ các đơn vị y tế trong việc cung cấp dịch vụ, chuyển gửi, quản lý, báo cáo thống kê, còn tình trạng mất dấu bệnh nhân…

Với mục tiêu hướng tới loại trừ 3 bệnh, nhằm bảo đảm cho người dân, nhất là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng, mới đây, tỉnh Sơn La đã ban Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2020-2030.

Trong đó, tỉnh xác định tập trung triển khai các chính sách và vận động xã hội; tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức trong cộng đồng; nâng cao năng lực về chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo thường xuyên, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, mục tiêu hướng tới là trẻ em sinh ra trong giai đoạn từ năm 2020-2030 sẽ không bị lây truyền 3 bệnh từ mẹ là HIV, viêm gan B và giang mai.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, phải tăng cường truyền thông, lồng ghép nội dung loại trừ 3 bệnh trong hoạt động truyền thông để phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai hiểu, chủ động đi khám sàng lọc tại các cơ sở y tế trong thời gian mang thai. Từ đó phát hiện tình trạng bệnh và sớm tiếp cận điều nếu nhiễm HIV, viêm gan B hay giang mai.

Do Sơn La có đặc thù về địa bàn, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc ít người còn sinh sống tại những vùng đặc thù khó tiếp cận, nên việc phát triển công tác tuyên truyền và vận động còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác này, cán bộ và nhân dân tỉnh Sơn la cần phải phối hợp thật tốt với ngành Y tế tỉnh, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, bổ sung nguồn nhân lực của từng địa phương cho các hoạt động dự phòng, hướng tới mục tiêu tương lai Sơn La sẽ loại trừ những bệnh xã hội, lây truyền từ mẹ sang con.
Top