Thái Bình: Thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

28/05/2019 10:22

Bên cạnh tăng cường các hoạt động thu hút nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh cũng chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các đoàn thể nhằm đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó thu hút sự chung tay vào cuộc của cộng đồng, giảm thiểu tình trạng kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

 Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy - Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh hiện đang quản lý 2.122 người nhiễm HIV đang có mặt tại địa phương. Số bệnh nhân đang được quản lý, chăm sóc tại các phòng khám điều trị ngoại trú trên địa bàn tỉnh là 1.244 người.

Để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV, trong năm 2018,  địa phương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động. Trong đó, có các chương trình giám sát, can thiệp giảm tác hại được triển khai mở rộng, tổ chức các buổi giám sát trọng điểm đối tượng nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm; tăng cường điều tra, khảo sát và tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS điều trị bệnh, chương trình điều trị HIV/AIDS hiện đang duy trì 10 phòng khám điều trị ngoại trú, trong đó tuyến tỉnh có 2 phòng khám, tuyến huyện có 8 phòng khám. Trong số 1.244 bệnh nhân được quản lý điều trị tại các phòng khám ngoại trú có 1.178 bệnh nhân áp dụng điều trị phác đồ bậc 1; 66 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2. 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã thực hiện thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Thuốc ARV cũng đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả từ tháng 2/2018. Đến nay 98% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS đã có thẻ BHYT từ các nguồn hỗ trợ, tài trợ. Để hỗ trợ xác định tình trạng bệnh, chương trình tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai rộng rãi. 

Ngoài duy trì các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS còn triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV lưu động tại cộng đồng có sự tham gia của tổ chức những người nhiễm HIV và các nhóm có nguy cơ cao. 

Chương trình điều trị Methadone cũng đang được duy trì tại 9 cơ sở điều trị và 7 điểm cấp phát thuốc trải đều trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đến uống thuốc, từ đó giảm thiểu hành vi tiêm chích, lây lan HIV từ đối tượng có nguy cơ cao ra cộng đồng.

Hiện tại, dịch không chỉ tập trung ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà đã lan ra cộng đồng qua con đường tình dục không an toàn. Mặt khác, hiện các dự án quốc tế ngừng hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dẫn đến khoảng trống trong công tác dự phòng cũng như chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Việc thiếu kinh phí triển khai hoạt động đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và khó khăn trong triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Mặt khác, tình trạng kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn khá phổ biến khiến nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS không dám đi xét nghiệm HIV để biết tình trạng của mình. Nhiều người xét nghiệm còn giấu tên tuổi, địa chỉ. Xét nghiệm có kết quả dương tính song không dám công khai tham gia điều trị. Có người điều trị song không duy trì, bỏ ngang giữa chừng khiến sức khỏe giảm sút. Đây chính là mối lo lắng và khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bởi họ sẽ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao cho gia đình, cộng đồng.
Top