Thanh Hóa: Gần 25 nghìn phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tự nguyện

05/06/2019 14:14

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 24.699 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện, 4 người có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, 13 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai - Ảnh: TT KSBT Thanh Hóa

Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 2013 tại Thanh Hóa. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 22 phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện đa khoa huyện và 19 xã có triển khai khám, cấp thuốc điều trị thuốc kháng virus ARV.

Tại các điểm cung cấp dịch vụ này, phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV; có 9 địa phương là Ngọc Lặc, Bỉm Sơn, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa, Quan Hóa, Mường Lát, Tĩnh Gia, Quảng Xương và Bá Thước được dự án Quỹ toàn cầu tài trợ sàng lọc HIV 100% phụ nữ mang thai.

Trong năm 2018, dự án đã tiến hành tập huấn cho toàn bộ nữ hộ sinh các xã, phường dự án để tăng hiệu quả chương trình..., nhờ đó đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang, không ít phụ nữ nhiễm HIV cũng đã được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị thông qua chương trình đều cho kết quả âm tính với HIV. Các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản hay khi chẩn đoán, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Thực hiện can thiệp kế hoạch hóa gia đình khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định: Không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25 - 40%; còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 2 - 5%.

Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6), với chủ đề “Mẹ không có HIV – con không nhiễm HIV”, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm thúc đẩy sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020”.

Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện để giảm tối đa tỷ lệ lây truyền, phấn đấu không còn trường hợp nào lây truyền HIV từ mẹ sang con...
Top