Trung Quốc: Nhiều người nhiễm HIV/AIDS ‘vật lộn’ để tiếp cận thuốc

10/03/2020 10:35

Tại Vũ Hán, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cũng đang phải vật lộn để có thể tiếp cận được với loại thuốc kháng virus HIV.

 Các loại thuốc và và giấy khám bệnh của vợ chồng Chen Sheng.

Hai vợ chồng Chen Sheng 53 tuổi đã được chẩn đoán là dương tính với HIV vào năm 2018. Các bác sĩ cảnh báo họ nên điều trị theo chế độ nghiêm ngặt nếu không sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Chen hiện chỉ còn nguồn thuốc đủ trong 12 ngày tới, còn vợ ông thì chỉ còn thuốc dùng trong 1 tuần.

Đại dịch bùng phát tại Vũ Hán đã khiến nhiều người nhiễm HIV như cặp vợ chồng Chen nguy cơ thiếu thuốc. Khi cả hệ thống y tế tập trung dập dịch Covid-19, hàng nghìn bệnh nhân HIV tại Vũ Hán rơi vào cảnh bị lãng quên, nguồn sống của họ cũng đang cạn kiệt theo từng ngày.

Ngay từ ngày 26/1, chỉ 3 ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã yêu cầu các nhà cung cấp thuốc HIV tại Trung Quốc phải bảo đảm cho bệnh nhân được mua thuốc đầy đủ.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát trên 1.000 người của Cơ quan Phòng, chống AIDS của Liên Hợp Quốc, có gần 1/3 số người nhiễm HIV ở Trung Quốc cho biết, việc phong tỏa thành phố với các quy định hạn chế đi lại khiến họ không thể bổ sung nguồn thuốc.

Để được ra ngoài mua thuốc, ông Chen cần phải có giấy chứng nhận từ CDC Trung Quốc về bệnh trạng. Quy định hạn chế đi lại khiến ông không thể ra khỏi nhà để lấy chứng nhận, và nếu có được giấy tờ cần thiết, ông phải đi bộ hoặc đạp xe để vượt qua quãng đường 35 km tới bệnh viện để mua thuốc, bởi hệ thống xe buýt đã đóng cửa từ lâu.

Điều quan trọng là để có được thuốc, nhiều khả năng ông Chen và vợ mình sẽ phải công khai căn bệnh của cả hai, điều mà họ phải che giấu suốt hai năm qua.

“Tôi thực sự không muốn làm phiền chính phủ, nhân viên y tế hoặc nhân viên xã hội, vì tôi biết tất cả họ đều bận rộn chiến đấu với dịch bệnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình có thể chịu đựng tất cả những khó khăn hiện tại: Tôi có thể ăn ít hơn nếu chúng tôi không thể đi mua đồ tạp hóa, và tôi có thể tắm nước lạnh khi chúng tôi hết nhiên liệu. Nhưng tôi không thể ngừng uống thuốc. Đó là vấn đề sống chết”, ông Chen nghẹn ngào nói.

Kể từ cuối tháng 1, Huang Haojie, người làm việc tại tổ chức phi chính phủ Trung tâm LGBT Vũ Hán cho biết, anh nhận được hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn từ những người đang sống trong cảnh thiếu thuốc như ông Chen.

Giải pháp đầu tiên mà Huang nghĩ ra là kết nối những người nhiễm HIV ở Vũ Hán với những bệnh nhân ở địa phương khác, kêu gọi họ chia sẻ thuốc cho những bệnh nhân đang hết thuốc. Hàng chục người đã hưởng ứng lời kêu gọi, nhưng Huang nhận ra điều này là không đủ.

Vào thời điểm cuối tháng 1, người dân Vũ Hán vẫn có thể di chuyển quanh thành phố, mặc dù thiếu các lựa chọn giao thông. Huang đã kêu gọi các tình nguyện viên lái xe chở những người nhiễm HIV tới lấy thuốc tại Bệnh viện Jinyintan, nơi hầu hết những người nhiễm HIV, bao gồm vợ chồng Chen được điều trị.

Tuy nhiên, những chuyến xe này không tồn tại lâu. Kể từ tháng 2, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đã ngăn người Vũ Hán rời khỏi khu dân cư. Điều này buộc các tình nguyện viên như Wang chuyển sang vận chuyển thuốc cho các bệnh nhân, bao gồm vợ chồng Chen.

Do được cấp phép, các tình nguyện viên đã giúp giao thuốc cho 65 người mỗi ngày, họ đều đặn tới nhà thuốc bệnh viện để lấy thuốc, sau đó chuyển tới Trung tâm LGBT Vũ Hán, trước khi thuốc được các đơn vị giao hàng đưa tới tận tay bệnh nhân.

Dù dành hơn 8 tiếng/ngày ở bệnh viện Jinyintan, Wang và các tình nguyện viên khác không có đủ các dụng cụ bảo hộ cơ bản như khẩu trang và nước rửa tay, chưa nói tới quần áo và kính bảo hộ

“Chúng tôi không dám ăn những bữa trưa miễn phí trong bệnh viện. Tôi luôn lái xe đến một nơi cách bệnh viện vài cây số, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, khử trùng tay, rồi mới nhẹ nhõm dùng bữa trưa của mình”, Wang chia sẻ.

Mặc dù nhiều tình nguyện viên như Wang đã rất nỗ lực để giúp cho những người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc điều trị, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đã không thể nhận được sự giúp đỡ, đặc biệt là những người sống ở các nơi khác tại Hồ Bắc. Do sống ở những vùng nông thôn, nhiều người chọn cách đi bộ để lấy thuốc, một số chọn cách nhờ cảnh sát giúp đỡ, hoặc sẽ giữ im lặng.

Thuốc điều trị HIV - nguồn hy vọng cứu sống bệnh nhân Covid-19

Lý do dẫn tới việc người nhiễm HIV ở Vũ Hán thiếu thuốc trầm trọng là do loại thuốc này có hiệu quả cao trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Khi anh Andy Li chia sẻ trên Weibo rằng anh có 40 hộp thuốc chống HIV lopinavir/ritonavir và sẵn sàng chia sẻ nếu ai có nhu cầu. Người đầu tiên trả lời trên Weibo không phải là bệnh nhân nhiễm HIV, mà là một bác sĩ ở Vũ Hán nhiễm Covid-19. Dần dần, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả bác sĩ và y tá làm việc với bệnh nhân nhiễm virus corona, liên hệ Li để hỏi mua thuốc chống HIV, vốn có tác dụng tương tự đối với Covid-19.

 Nhóm tình nguyện viên và nhân viên y tế cung cấp thuốc HIV cho các bệnh nhân bị mắc kẹt trong nhà tại Vũ Hán.

Li, người được chẩn đoán dương tính với HIV vào năm 2012, đã phát triển một mạng xã hội để chia sẻ thuốc chống HIV vào cuối năm 2017. Nhưng mạng lưới này đã bị xóa bỏ, chủ yếu là do thuốc lopinavir/ ritonavir không có bằng sáng chế.

Vào ngày 23/1, bác sĩ Wang Guangfa – người bị nhiễm Covid-19, nói rằng thuốc lopinavir/ritonavir giúp ông chấm dứt cơn sốt. Mặc dù vẫn chưa thuốc đặc trị hoặc vaccine Covid-19, trước mắt lopinavir/ritonavir vẫn là một trong những lựa chọn điều trị tiềm năng của Chính phủ Trung Quốc để dập dịch.

“Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV, lopinavir /ritonavir không phải là lựa chọn duy nhất của họ. Những người có thuốc có thể chia sẻ, bởi vì họ có những lựa chọn thay thế. Nhưng đối với bệnh nhân Covid-19, đây là hy vọng cứu sống họ”, Li nói.

Bản thân Li đã ngừng dùng lopinavir / ritonavir 4 năm trước vì thuốc có tác dụng phụ mạnh, nhưng anh vẫn đang tìm kiếm nguồn cung thuốc từ nước ngoài để tặng cho các bệnh nhân Covid-19.

“Có một sự khác biệt khá lớn giữa việc giúp đỡ bệnh nhân HIV/AIDS và bệnh nhân Covid-19”, Li nói. “Tôi có thể biết liệu bệnh nhân HIV/AIDS có cần dùng thuốc hay không bằng cách trò chuyện nhanh với họ. Nhưng đối với Covid-19, tôi phải cẩn thận hơn”.

Để bảo đảm thuốc đến đúng người, Li sẽ hỏi mọi thông tin y tế của bệnh nhân và bảo đảm rằng họ hiểu các tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, vì các hướng dẫn nêu rõ rằng lopinavir/ ritonavir chỉ có hiệu quả đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, Li sẽ không gửi thuốc cho những người mắc bệnh nặng, mặc dù rất thương họ.

Một số người đã nghi ngờ liệu những gì Li làm có hữu ích hay không, vì thuốc có tác dụng phụ mạnh nhưng tác dụng không hề được kiểm chứng.

Gần đây, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế công cộng Thượng Hải đã xuất bản một bài báo đánh giá về kết quả điều trị, nói rằng bệnh nhân điều trị bằng lopinavir/ritonavir không hồi phục nhanh hơn so với những người không được dùng thuốc chống siêu vi, trong khi thử nghiệm lâm sàng được WHO hỗ trợ ở Vũ Hán vẫn đang được tiến hành. Sau khi đọc bài báo, Li quyết định vẫn tiếp tục việc làm của mình. “Tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của chính phủ và chỉ dừng lại khi thuốc lopinavir/ritonavir bị loại bỏ”, anh nói.

Chiến dịch quyên góp thuốc đã cho phép Li biết thêm nhiều về những người nhiễm HIV - họ ở các độ tuổi khác nhau, đến từ các thành phố khác nhau và làm việc cho các ngành nghề khác nhau. “Mọi người đều có cuộc sống đặc biệt của riêng mình. HIV/AIDS không phải đặc điểm duy nhất để nhận dạng họ”, Li cho biết.

Hai vợ chồng ông bà Chen, người đã nhận được thuốc của đội tình nguyện viên vào ngày 1/3, cũng có quan điểm tương tự: “Không có vấn đề gì nếu bạn là bệnh nhân Covid-19, hay là một người bình thường hoặc một người mắc bệnh mãn tính như tôi, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của dịch bệnh này”.
Top