Tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh

30/09/2019 14:38

Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.

Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, từ khi triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ 2009) đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con là 10,8% thì đến năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 2,8% và hiện nay giảm còn 1,93%. Kết quả cho thấy tỷ lệ đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV.

Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố quyết định. Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV liên tục.

Bên cạnh đó, thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng virus trong máu để biết tải lượng virus có tăng cao hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. Bệnh nhân mang thai cần giữ ở mức tải lượng virus dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu mới bảo đảm thấp nhất khả năng lây truyền qua con.  

Trong 10 năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã giảm cả 3 tiêu chí, là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS. Ba tiêu chí này giảm đều hàng năm.

Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15 đến 49. Riêng trong năm 2018, Hà Nội đã phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV.

Năm 2017, Hà Nội phát hiện 800 trường hợp nhiễm HIV. Năm 2018, nhờ đẩy mạnh xét nghiệm, số trường hợp này tăng lên 1.290 người. Trong 3 tháng đầu năm 2019, có 400 trường hợp đã được xét nghiệm dương tính với HIV (tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018).

Hiện nước ta có 135 nghìn trong tổng số khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV và có thể sử dụng chiến lược K=K, nhằm mở rộng độ bao phủ điều trị. Các đánh giá cho thấy, sẽ rất hiệu quả khi Việt Nam đang là một trong những nước đạt tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới.

Một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền virus HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Đồng thời, giúp làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người nhiễm HIV tuân thủ điều trị.
Top