Cuộc sống 'như địa ngục' trong trang trại cần sa và tiệm nail ở Anh

11/11/2019 09:41

Những người này rời quê để đi tìm "miền đất hứa". Tuy nhiên, cuộc sống thực tế của nhiều người di cư Việt ở Anh không khác gì địa ngục trần gian.

Khi cảnh sát bắt giữ ba người đàn ông điều hành một trang trại trồng cần sa dưới lòng đất trong một boongke chống hạt nhân ở Wiltshire, Anh, năm 2017, họ đã tìm thấy những người Việt đang làm việc tại đó.

Cảnh sát tịch thu số cần sa trong boongke. Ảnh: Guardian

Bốn người đàn ông Việt Nam đã làm việc như nô lệ tại đây. Họ bị giam giữ và không hề có chìa khóa để ra ngoài.

Martin Fillery, 45 tuổi, Ross Winter, 30 tuổi, và Plamen Nguyen, 27 tuổi, đã nhận tội sản xuất ma túy loại B và ăn cắp điện cho trang trại cần sa ở 20/40 phòng của boongke RGHQ Chilmark đã ngừng hoạt động của Bộ Quốc phòng Anh.

Giam giữ như nô lệ

Trang trại này được cho là có khả năng sản xuất lượng cần sa trị giá 2 triệu bảng (hơn 2,5 triệu USD) mỗi năm. Fillery bị kết án 8 năm tù, Winter và Nguyen mỗi tên bị kết án 5 năm.

Thanh tra Paul Franklin, người tham gia vào việc phát hiện ra boongke, nói với Guardian rằng những người đàn ông Việt Nam làm việc ở đó rõ ràng bị bắt làm nô lệ và vô cùng sợ hãi.

“Không còn nghi ngờ gì nữa. Họ bị giữ ở đó như nô lệ. Họ không chọn làm việc ở đó. Đường dây buôn người từ Việt Nam đã mang họ đến đây và bắt họ làm việc”.

Lối vào boongke nơi phát hiện ra trang trại cần sa. Ảnh: Guardian

Những người dắt chó đi dạo ngửi thấy mùi lạ ở vùng nông thôn hẻo lánh gần boongke và báo cảnh sát. Cảnh sát đã theo dõi và bắt giữ Fillery, Winter và Nguyen khi chúng đến boongke bằng xe tải vào giữa đêm.

Ba người Việt Nam, hai trong số đó là trẻ vị thành niên và một người đàn ông 30 tuổi, đã được tìm thấy bên trong. Họ bị nhốt sau cánh cửa dày gần 13 cm, đủ mạnh để chống lại vụ nổ hạt nhân. Thanh niên Việt Nam thứ tư được tìm thấy vào ngày hôm sau khi đang lang thang gần làng Wiltshire của Tisbury.

Cảnh sát tin rằng anh ta đã trốn thoát bằng cách chui qua một đường hầm thông gió bằng kim loại trên mái nhà.

Thợ điện chuyên nghiệp đã thiết lập mạng lưới điện bất hợp pháp để lấy trộm điện từ nguồn cung gần đó và ống dẫn nước đã được đưa vào qua một lỗ khoan.

Fillery và Winter mang nhu yếu phẩm đến và lấy cần sa đã được thu hoạch đi chủ yếu vào ban đêm. Chúng thường ở lại boongke từ vài phút đến bảy giờ và cửa hầm luôn được đóng kín trong suốt thời gian đó.

Cảnh sát vẫn không rõ những người đàn ông Việt Nam đã ở trong boongke từ khi nào. Họ phải làm việc ở nơi có nhiệt độ như khí hậu nhiệt đới, không có ánh sáng tự nhiên, rất ít không khí trong lành và ngủ trên sàn phòng y tế của boongke.

Thức ăn và nước uống đủ cho nhiều tuần được lưu trữ trong nhà bếp của boongke. Tòa án cho rằng việc chuyển hướng điện gây ra nguy cơ hỏa hoạn cao và còn nguy hiểm hơn khi những người này bị nhốt trong boongke.

Điều kiện sống bên trong boongke. Ảnh: Guardian

Cảnh sát Anh đã đề nghị rằng nếu họ nhận là nạn nhân của tội phạm buôn người, họ sẽ được cung cấp chỗ ở, đảm đảo an toàn và tư vấn pháp lý trong vòng 45 ngày.

Mặc dù vậy, 4 người đàn ông Việt Nam này đã từ chối hợp tác với cảnh sát và không cung cấp bất kì thông tin nào. Ba người sau đó đã bị trục xuất vì tội nhập cư trái phép và người thứ tư đã xin tị nạn.

Ông Kevin Hyland, cố vấn chống nô lệ của Anh lúc đó, đã nhiều lần nói rằng cảnh sát thất bại trong việc điều tra các trường hợp như vậy. Ông cũng bày tỏ sự thất vọng về sự thất bại trong việc giải quyết vấn đề thanh thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh để làm việc trong các trại cần sa.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều người bị đưa sang làm lao động nô lệ tại Anh nhiều nhất. Tuy nhiên, những kẻ buôn người từ Việt Nam chưa bao giờ bị đem ra truy tố.

Làm việc 60 giờ/tuần và không lương

Không chỉ có những người đàn ông và thanh thiếu niên di cư Việt Nam mới phải làm việc và sinh sống trong điều kiện tồi tệ như vậy. Phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam thường bị ép đến những tiệm nail làm việc và được trả rất ít hoặc hầu như không được trả lương.

Năm 2018, một người phụ nữ và một người đàn ông ép trẻ em Việt Nam làm việc trong tiệm nail đã bị bỏ tù theo luật nô lệ mới. Đây là lần đầu tiên vụ việc liên quan đến trẻ em được đem ra truy tố thành công kể từ khi luật này được ban hành ra hai năm trước.

Thu Huong Nguyen, 48 tuổi, được biết đến với cái tên Jenny, và Viet Hoang Nguyen, 29 tuổi, được biết đến với cái tên Ken, bị kết tội âm mưu dàn xếp và tạo điều kiện đưa người sang để bóc lột sức lao động.

Jenny đã bị kết án 5 năm tù giam và Ken bỏ tù bốn năm. Bị cáo thứ ba, Giang Huong Tran, hay còn gọi là Susan, đã bị phạt tù hai năm.

Khi cảnh sát và nhân viên của tổ chức từ thiện Unseen đến kiểm tra tiệm nail Nail Bar Deluxe ở Bath vào tháng 2/2016, họ đã gặp hai cô gái Việt Nam đang làm việc tại đây.

Những cô gái này phải làm việc 60 giờ/tuần. Một người trong số họ chỉ được trả 30 bảng (khoảng 40 USD) mỗi tháng và người còn lại thì không được trả lương. Họ đang ở tại căn nhà của chủ tiệm nail, Jenny. Hai cô gái này đã được đưa vào Anh bằng cách trốn trên xe tải.

Tiệm nail này làm ăn rất thuận lợi. Khi cảnh sát khám xét nhà Jenny, họ đã tìm thấy 60.000 bảng Anh (77.000 USD) được giấu bên trong con gấu bông và một tủ chứa đầy túi xách hàng hiệu, nhiều túi trong số đó trị giá hàng nghìn bảng. Jenny cũng có hàng chục căn phòng cho thuê ở Bath.

Cảnh sát đã tìm thấy 60.000 bảng Anh được được giấu bên trong một con gấu bông ở nhà Jenny. Ảnh: Guardian

Thanh tra Charlotte Tucker, cảnh sát trưởng của khu vực, cho biết: “Jenny đã kiếm được rất nhiều tiền bằng cách trả lương rẻ mạt hoặc không trả lương. Việc nhét tiền vào gấu bông cho thấy ả không biết làm gì với số tiền kiếm được”.

Các cô gái Việt Nam được đưa vào chăm sóc trong trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên, họ đã bỏ trốn và tiếp tục bị đưa tới một tiệm nail khác ở Abbey Arcade, Burton-on-Trent, Staffordshire. Hai cô gái khác đã được tìm thấy ở đó.

Thanh tra Tucker cho biết các cô gái này chỉ nói được một chút tiếng Anh. “Họ không có cơ hội chạy trốn. Họ không bị nhốt nhưng không có nơi nào khác để đi cả”.

Top