Ngành kinh doanh lá khat sinh lời cao tại Ethiopia

19/07/2019 10:21

Ethiopia là nước xuất khẩu lá khat lớn nhất thế giới. Mặc dù lá khat có những rủi ro về sức khỏe, ngành thương mại từ lá khat vẫn sinh lợi và phát triển đến mức khó có thể chậm lại. Đây là lĩnh vực kinh doanh có giá trị hàng triệu USD ở vùng cao nguyên phía Đông Ethiopia.

Bùng nổ, sinh lời

Nằm cách thành phố Harar vài km, Awoday là thị trường buôn bán lá khat lớn nhất thế giới. Chợ lá khat tại đây hoạt động 24 giờ một ngày trong sự hối hả của xe tải, thương nhân và phụ nữ bán lá khat bên lề đường. Trong các tòa nhà, từng đội thanh niên hối hả cắt, làm sạch và đóng gói lá Khat.

Đỉnh điểm của hoạt động buôn bán bắt đầu sau khi mặt trời lặn. "Mặt trời đốt cháy những chiếc lá, vì vậy những chiếc xe tải cần phải đi vào sáng sớm", ông Jarra Teklay Yohannes (50 tuổi), một trong những thương nhân làm việc trong ngành buôn bán lá Khat giải thích. Ông thường làm việc từ khoảng 7h tối cho đến sáng sớm. "Nhưng trong mùa bận rộn, đôi khi tôi ở trong văn phòng của mình cả tháng. Gia đình tôi đến thăm tôi ở đây", ông Jarra nói thêm.

Thời gian thực sự là tiền ở Awoday; khat phải được tiêu thụ trong vòng 48 giờ sau khi thu hoạch, sau thời điểm đó, chất lượng chỉ ở mức tối thiểu.

Lá Khat từ chợ Awoday được xuất khẩu đến quốc gia láng giềng như Djibouti, Somaliland hoặc chuyển đến tiêu thụ tại các thành phố khác của Ethiopia, trong đó có Thủ đô Addis Ababa, cách Awoday 500km về phía Tây.

Ông Jarra tự hào là một trong 6 nhà xuất khẩu lá Khat thành công nhất với 7 xe tải chuyển hàng mỗi ngày đến Somaliland. Nhiều người cho rằng, chính phủ kiếm được nhiều tiền từ các doanh nghiệp bán lá khat hơn so với các doanh nghiệp sản xuất nông sản khác. Tuy nhiên, con số thực tế không bao giờ được công bố vì một số quốc gia coi lá Khat là một loại ma túy.

Gia đình Chala Jemal là một trong số rất nhiều hộ gia đình ở Ethiopia sống dựa vào lá Khat trong nhiều thập kỷ qua. “Khat mang lại cho chúng tôi nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi thu hoạch lá Khat ba lần/năm, đôi khi là bốn hoặc năm lần/năm. Trong khi các loại cây trồng khác chỉ được thu hoạch một lần”, Chala nói với giọng đầy tự hào. Gia đình anh sở hữu khoảng 5 ha đất trồng Khat được truyền qua nhiều thế hệ.

“Những đêm thu hoạch lá Khat là một phần ký ức tuổi thơ trong tôi. Thời gian yêu thích trong năm của tôi là mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Vào mùa mưa, Khat sẽ được bao quanh bởi các loại cây khác nhau. Vì vậy, chúng tôi phải chặt, tỉa các cây khác để tạo không gian sống cho Khat”, Chala nói.

Lá Khat được bán với giá khoảng 20 Euro/kg nhưng có thể cao hơn tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi sử dụng thu nhập từ Khat để mua xe hơi hoặc đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác”, Chala vừa nói vừa chỉ vào một cành Khat.

“Lá Khat giúp bạn giảm căng thẳng, mọi mệt mỏi, ưu phiền sẽ qua đi. Khi đó, bạn quên đi mọi thứ và cảm thấy cực kỳ hưng phấn”, Chala nói thêm.

Nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ

Nhiều quốc gia đã cấm tiêu thụ khat, mặc dù không có biện pháp kiểm soát quốc tế nào được thực thi. Ở Ethiopia, đặc biệt là xung quanh Harar, việc nhai lá khat là phổ biến. "Đó là một phần văn hóa và cuộc sống của chúng tôi. Nếu bạn muốn làm hòa với ai đó, bạn nhai lá khat và trò chuyện. Nếu bạn đi đến một đám cưới, hoặc nếu bạn muốn hỏi cưới con tôi, bạn hãy mang theo khat".

Người ta thường thấy những chàng trai trẻ ngồi bên lề đường, nhai những chiếc lá khat. Ở Ethiopia, trung bình một người tiêu thụ khoảng 400 gram mỗi ngày và đôi khi nhiều hơn thế.

Ephrem Engidawork, giáo sư dược học tại Đại học Addis Ababa, cho biết: "Có một vấn đề khi sử dụng khat trong nước. Nó nguy hiểm và gây ra hậu quả bất lợi cho sức khỏe". Ông Ephrem đã nghiên cứu tác động sức khỏe của khat trong hơn một thập kỷ. Ông nói rằng khoảng 20% trong số tất cả người dân Nigeria nhai lá khat đến một mức độ có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của họ.

"Tác dụng phụ phổ biến nhất xảy ra trên hệ thống tim mạch", giáo sư Ephrem giải thích. "Mọi người bị nhồi máu cơ tim. Đó là nguy cơ nguy hiểm nhất khi nhai khat trong một khoảng thời gian dài. Nó cũng được cho là tác động đến gan và răng, và có ảnh hưởng tâm lý. Sử dụng khat kéo dài có liên quan đến tâm thần phân liệt. Nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt có tiền sử nhai lá khat. Chúng tôi cũng xác nhận điều này trong các nghiên cứu trên động vật", ông Ephrem nói.

Khía cạnh sức khỏe cộng đồng này không được chính phủ coi là ưu tiên hàng đầu, bởi thiếu nguồn lực dành cho mục đích nghiên cứu. Ephrem cho biết ông từng đề nghị thành lập một viện nghiên cứu cho khat để giải quyết thách thức. Nhưng ý tưởng của ông "rơi vào quên lãng”.

Không có dấu hiệu việc sản xuất và tiêu thụ lá khat sẽ chậm lại tại Ethiopia. Ngược lại, ngày càng nhiều nông dân từ bỏ cà phê - sản phẩm xuất khẩu đầu tiên của đất nước này và các loại cây trồng để trồng Khat. Khoảng 70% đất nông nghiệp ở vùng Harari đã được sử dụng để trồng Khat.

Lá Khat nằm trong danh mục các chất ma tuý tại Việt Nam

Lá cây Khat (hay lá Khát) có tên khoa học là “Catha edulis”, đây là loại cây được trồng lâu năm ở các nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Lá Khát còn có tên gọi là lá “thiên đường”. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu liệt lá Khát vào danh mục ma túy có tính chất nguy hiểm bởi tác dụng “tiêu cực” đến sức khỏe và sức gây nghiện cực kỳ lớn của nó như: gây ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, phá hủy cơ thể người và gây ra một số bệnh khó chữa. Người dùng chỉ cần nhai lá tươi hoặc hút lá khô, hay pha trà uống hoặc rắc vào thức ăn một ít lá Khát cũng gây nghiện nặng.

Lá Khát có chứa chất Cathinone với thành phần cực mạnh với mức độ nguy hiểm gấp nhiều lần ma túy đá và độc hại hơn các loại ma túy thông thường. Là Khát cũng chính là loại thảo dược dùng để tinh chế thành chất ma túy Cathinone, từ chất này có thể tổng hợp với chất Amphetamine thành loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt.

Theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định Danh mục các chất ma túy và tiền chất, lá khat nằm trong Danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền”.
Top