Thầy giáo trẻ vào cơ sở cai nghiện ma túy dạy học

22/06/2020 08:59

Anh Lê Văn Hải, sinh năm 1978, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội, là giáo viên dạy văn ở trường cấp 3 nhưng anh đã chuyển sang dạy cho các học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Anh Lê Văn Hải, cán bộ Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội cho biết, sau khi học xong 4 năm Đại học sư phạm, anh ra trường và xin về trường cấp 3 cách nhà khoảng 2 km giảng dạy. Sau đó, anh chuyển sang công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. Chia sẻ về việc chuyển từ thầy giáo dạy văn cấp 3 sang công việc mới, anh Hải cho biết thêm, vào năm 2003, khi đang là giáo viên dạy văn cho trường cấp 3 gần nhà, anh có suy nghĩ táo bạo là chuyển sang công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Thời điểm này, anh Hải suy nghĩ, đối tượng dạy học của anh khác xa so với các em học sinh ở cấp 3. Dạy cấp 3 thì nhàn hơn, học viên ở trong cơ sở cai nghiện khác hơn, những người đã có kinh nghiệm, trường đời, tuổi tác. Họ là những mảnh đời, là những tờ giấy đã bị vấy bẩn, mình giúp họ để họ lấy lại sự trong sạch, trả lại màu trắng cho tờ giấy, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Cả xã hội, nhiều người tệ nạn quá thì mình cũng không phát triển được.

Anh Lê Văn Hải, người giúp hơn 300 học viên được học xóa mù

Khi có ý định chuyển sang làm việc ở cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, anh Hải có tìm hiểu và nhận thấy anh có thể làm việc được. Sau đó, anh nói chuyện với gia đình, với đồng nghiệp ở trường cấp 3 cũ thì mọi người đều can, e ngại với tâm lý là người nghiện đều là thành phần bất hảo, tiền án tiền sự, không sợ ai, ngáo đá... mọi người rất là sợ. Trong mắt mọi người là đầy rẫy rủi ro và nguy hiểm, rất nhiều người can ngăn. Tại gia đình, bố mẹ cũng phân tích, nói chuyện, đưa ra góp ý còn quyền quyết định vẫn là ở anh. Sau đó, anh Hải cũng phân tích với gia đình và sau lần nói chuyện đó, anh Hải quyết tâm chuyển sang công tác tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội.

Thời điểm đầu, anh Hải phụ trách mảng hồ sơ được vài năm rồi chuyển sang công tác giáo dục học viên, giáo dục sửa đổi hành vi nhân cách cho học viên và tư vấn, tuyên truyền cho học viên và cán bộ. Dạy ở trường cấp 3 có sẵn giáo trình, các giảng của Bộ GD&ĐT ban hành còn sang lĩnh vực cai nghiện ma túy, vào thời điểm này, bài học về giáo dục sửa đổi hành vi nhân cách cho học viên chưa có giáo trình quy chuẩn, bộ tài liệu quy chuẩn. Chủ yếu do các cơ sở cai nghiện tự chủ động tìm tòi, biên soạn. Thời điểm đó ở đơn vị duy trì 2 mảng, công tác xóa mù chữ cho học viên, mình sưu tầm được sách xóa mù cho người lớn và  giáo dục sửa đổi hành vi nhân cách cho học viên thì mình phải tự tìm tòi và chia ra làm nhiều mảng.

Đó là giáo dục pháp luật, giáo dục sửa đổi hành vi nhân cách cho học viên, giáo dục giá trị sống cơ bản. Mục đích cơ bản nhất là cung cấp cho học viên những kiến thức thiết thực như kiến thức pháp luật để học viên hiểu Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống HIV...

Còn dạy về đạo đức cho học viên biết rằng là con người thì sống phải có kỷ luật, trách nhiệm, tình thương, phải có đoàn kết, yêu thương nhau, phải có những giá trị đó thì mình mới làm người tốt. Ngoài ra, anh Hải còn cung cấp những kỹ năng sống cho học viên, cung cấp cho học viên kỹ năng sử dụng bơm kim tiêm an toàn, sử dụng ma túy an toàn để trường hợp học viên về xã hội có tái nghiện thì cũng biết cách sử dụng an toàn, không lây bệnh cho mình, không ảnh hưởng đến tính mạng cũng như không lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, anh Hải còn dạy cho học viên kỹ năng sử dụng bao cao su, nếu có quan hệ tình dục bừa bãi thì phòng tránh lây nhiễm cho mình và cho người khác. Tất cả những bài giảng cho học viên, anh Hải đều phải tìm tòi và tự biên soạn giáo án, đóng thành quyển. Đến thời điểm hiện tại, Bộ LĐTB&XH đã có bộ quy chuẩn dùng chung cho tất cả các cơ sở cai nghiện trên toàn quốc.

Chia sẻ về lớp học xóa mù, anh Hải cho hay, học viên xóa mù đợt nhiều nhất là từ 15-17 người, chưa có đợt nào quá 20 người. Trong 17 năm qua, anh Hải ước chừng hơn 300 học viên được dạy xóa mù, học lớp 1, lớp 2, lớp 3 và liên hệ với Phòng Giáo dục huyện Ba Vì tổ chức thi cấp chứng nhận biết chữ hơn 200 trường hợp.  

Về hình thức dạy, học viên có 2 dạng, 1 là chưa được đi học, 2 là tái mù tức là đã đi học lớp 1 đến lớp 2 rồi sau đó bỏ học và bỏ lâu quá nên quên chữ và gọi là tái mù. Anh Hải sắp xếp các học viên mù chữ một lớp và những học viên tái mù một lớp để phù hợp với việc dạy. Anh Hải dạy kết hợp 2 cách, dạy cố định trên lớp và cho học viên mang sách vở về làm bài tậ p ở nhà và động viên học viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tự học, nếu có gì khó khăn hãy hỏi bạn cùng phòng để được chỉ giúp. Còn nếu học viên nào yếu quá thì anh Hải sẽ kết hợp với cán bộ quản lý trực tiếp xuống phòng vừa để kiểm tra bài tập ở nhà có làm không và có khó khăn gì còn hướng dẫn.

Sau mỗi lớp học, anh Hải làm đề xuất với cơ sở để phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cử cán bộ ở trường tiểu học, phòng vào tổ chức thi để cấp chứng nhận.

Top