Trùm ma túy được mệnh danh 'Quý ông không thể chạm tới' ở Mỹ

13/06/2019 14:42

Trùm ma túy Nicky Barnes bị bắt 13 lần nhưng không bị kết án cho đến khi xuất hiện trên trang bìa tạp chí New York Times.

Nicky Barnes bên ngoài tòa án liên bang ở Hạ Manhattan, New York, năm 1977

"Nicky Barnes không tồn tại nữa. Phong cách của Nicky Barnes và hệ giá trị của ông ấy đã biến mất. Tôi đã rũ bỏ hình ảnh Nicky Barnes", Nicky Barnes, ông già hói đầu, đi khập khiễng trong bộ đồ công nhân rộng thùng thình, nói về bản thân mình ở ngôi thứ ba trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 2007. Nói xong, Barnes yêu cầu nhân viên phục vụ lấy một cái túi để bỏ cá hồi nướng còn dư vào, rồi rời đi.

Nicky Barnes lúc đó đã trở thành hình ảnh đối lập của chính ông ngày xưa, một trùm buôn bán ma túy đã đi vào giai thoại ở khu phố Harlem, New York, người có phong cách màu mè, sở hữu đến 200 bộ com-lê, 100 đôi giày được sản xuất theo yêu cầu, 50 áo khoác da, một dàn siêu xe, nhiều ngôi nhà và căn hộ được tậu bằng của cải mà Barnes tích lũy nhờ điều hành đường dây bán heroin phủ khắp các khu phố người da màu vào cuối thập niên 1960 và thập niên 1970. Barnes sau đó tái đầu tư lợi nhuận từ ma túy vào bất động sản và các tài sản khác.

Trên thực tế, ông thậm chí không còn sử dụng cái tên Nicky Barnes nữa. Bị kết án năm 1977 và sau hai thập kỷ ngồi tù, cuối cùng Barnes đã cung cấp lời khai chống lại các đồng phạm, khiến chúng bị kết án, đổi lại, ông được phóng thích sớm và tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng của liên bang với cái tên mới.

Với vỏ bọc mới, Nicky Barnes lập tức lặn mất tăm, đến nỗi hầu như không có ai, ngoại trừ những thành viên gia đình, biết hành tung của ông.

Nhưng giờ đây có thể khẳng định Nicky Barnes chắc chắn không còn tồn tại nữa. Tuần qua, một người con gái của Barnes và một cựu công tố viên xác nhận Barnes đã chết vì bệnh ung thư vào năm 2012 lúc ông 78 hoặc 79 tuổi.

"Chị gái và tôi giữ kín thông tin ông qua đời. Với tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời ông ấy, cái chết của ông vẫn là chủ đề nhạy cảm. Cha tôi muốn giữ kín thông tin về bản thân ông và chúng tôi muốn tôn trọng điều đó", người con gái nói.

Cục cảnh sát Tư pháp Mỹ từ chối cung cấp thông tin về các cá nhân nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang. Vì đã sống dưới vỏ bọc mới nên khi qua đời ở một nơi không được xác định, Barnes không được đăng cáo phó với tên đầy đủ và chính xác là Leroy Nicholas Barnes.

Cái tên đó từng gây ấn tượng mạnh đối với bất kỳ ai ở New York và bên ngoài thành phố. Barnes cầm đầu một tập đoàn buôn bán ma túy siêu lợi nhuận mà dường như không thể triệt phá vì chứng cứ luôn bị mất, các lời khai thiếu sót và nhân chứng đột ngột mất tích.

Thành tích thoát khỏi các bản án đã khiến Barnes tự tin đến mức vào năm 1977, tay trùm buôn ma túy thích chưng diện này khoe khoang thành tích "bất khả xâm phạm" bằng cách liều lĩnh tạo dáng trong bộ đồ com-lê xanh denim và cà vạt ba màu đỏ, trắng, xanh, chụp hình cho trang bìa tạp chí New York Times.

Barnes xuất hiện trên trang bìa với cặp kính đen đầy thách thức bên cạnh dòng tiêu đề "Quý ông Không thể chạm tới", theo sau là những dòng tiêu đề nhỏ với nội dung khiêu khích: "Cảnh sát nói ông ấy có thể là trùm buôn bán túy lớn nhất Harlem. Nhưng liệu họ có thể chứng minh được điều đó?".

Trang bìa này khiến tổng thống Mỹ Jimmy Carter cảm thấy bị sỉ nhục đến nỗi Nhà Trắng ra lệnh sử dụng mọi biện pháp để buộc tội Barnes, người vừa mới bị truy tố chỉ vài tuần trước.

Bộ Tư pháp Mỹ làm theo mệnh lệnh. Barnes bị kết tội và lĩnh án chung thân không được xem xét phóng thích trước thời hạn.

Nicky Barnes xuất hiện trên trang bìa Tạp chí New York Times năm 1977

Trong khi Barnes héo mòn sau song sắt nhà tù, những gã bạn cũ chí cốt, vợ và những cô bạn gái của Barnes bắt đầu tiêu xài phung phí tài sản của tập đoàn tội phạm vốn giúp họ thành triệu phú.

Barnes cảm thấy bị phản bội và quyết định trả thù. Ông đứng ra làm chứng để chống lại họ trong các phiên tòa liên bang, khiến hàng loạt đồng phạm cứng đầu của ông bị kết án, trong đó có một người là vợ cũ, Thelma Grant.

Để đáp lại sự hợp tác của Barnes, chính phủ đã phóng thích ông vào năm 1998 và xây dựng cho Barnes một cuộc sống mới, dù là một cuộc sống ẩn giấu, trong chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang.

Và với điều đó, Barnes đã đạt được một mục tiêu mà bản thân ông trước đây vô cùng căm ghét, thậm chí sợ hãi: Bị lãng quên.

Năm 2007, sự khét tiếng của Barnes đã được khơi dậy trong một cuốn sách của nhà văn Tom Folsom có tựa đề "Quý ông không thể chạm tới" và trong một bộ phim tài liệu cùng tên. Cùng năm đó, hình ảnh của Barnes được tái hiện trong bộ phim "American Gangster" dù bộ phim không tập trung vào Barnes mà nói về Frank Lucas, đối thủ hàng đầu của Barnes trong cuộc cạnh tranh buôn bán ma túy.

Lucas chết vào ngày 30/5/2019 ở tuổi 88. Cái chết của Lucas đã gợi lại cuộc chiến giành địa bàn buôn bán heroin ở Harlem vào thập năm 1970 và một câu hỏi đã không được nhắc đến trong nhiều năm: Điều gì xảy ra với Nicky Barnes?

Điều này đã không còn là bí ẩn và thông tin về cái chết của Barnes giờ đây khơi gợi lại một loạt ký ức khác. Robert B. Fiske Jr., công tố viên liên bang tại Manhattan vào năm 1977, đã hồi tưởng thời kỳ Barnes cầm đầu "một đường dây buôn bán túy băng hoại nhất và sinh lời nhất ở New York".

Barnes sinh ra ở Harlem ngày 15/10/1933. Từng là một cậu bé giúp lễ ở nhà thờ trong một thời gian, Barnes bị bắt vì tội cướp tài sản trước khi lên 10. Sau đó, Barnes bỏ trốn khỏi người cha nghiện rượu. Ông chưa bao giờ học vượt qua cấp hai. Barnes trở thành một con nghiện ma túy, sống lang bạt trên đường phố trước khi được gửi đến trại cai nghiện ở Lexington, bang Kentucky. Ra trại, Barnes cho biết ông chưa bao giờ sử dụng lại ma túy.

Ở tuổi vị thành niên, Barnes nhiều lần bị bắt vì trộm ôtô và tàng trữ trái phép các công cụ trộm cắp, khiến ông bị giam một thời gian tại nhà tù Tombs ở Hạ Manhattan. Khi đã trượt dài vào cuộc sống tội phạm, Barnes lại bị bắt và tống vào trại giam Green Haven ở hạt Dutchess, New York, nơi ông được cho là đã cải sang đạo Hồi.

Ban đầu là đối thủ cạnh tranh và sau đó hợp tác với các băng đảng mafia Italy ở Mỹ, Barnes đã vươn lên vào cuối những năm 1960 để trở thành ông trùm của một đế chế nhập khẩu và phân phối heroin trị giá hàng triệu USD ở New York, Pennsylvania, Canada và trong quá trình trỗi dậy đó, Barnes không ngại ngần sát hại các đối thủ.

Barnes ước tính ông kiếm được ít nhất 5 triệu USD nhờ bán heroin trong vài năm trước khi bị kết án vào năm 1977 và đã nhân khoản thu nhập này lên nhiều lần bằng cách đầu tư vào các công ty lữ hành, trạm xăng, một chuỗi cửa hàng rửa xe tự động cùng những dự án nhà ở tại Cleveland và Pontiac, bang Michigan.

Vào thời điểm Barnes liều lĩnh đồng ý chụp hình cho trang bìa tạp chí New York Times kèm theo một bài báo bên trong, ông đã có "thành tích" 13 lần bị bắt nhưng chưa bao giờ bị kết án.

Barnes vẫn khẳng định mình vô tội ngay cả sau khi bị kết án vào năm 1977 vì vai trò cầm đầu một tập đoàn phân phối ma túy lớn ở Harlem, bán lẻ và bán buôn một triệu USD heroin mỗi tháng.

Barnes cũng bác bỏ cáo buộc nói ông là kẻ giết người nhưng thừa nhận đã ra lệnh cho đàn em trừ khử đối thủ. Nhà chức trách tin rằng ông vừa trực tiếp giết người vừa ra lệnh cho tay sai giết người. Năm 1978, Barnes bị thẩm phán Henry F. Werker ở tòa án liên bang Manhattan kết án tù chung thân.

Những tên trùm buôn bán ma túy khác, như Lucas nổi tiếng nhờ gây chú ý với truyền thông nhưng Barnes đi vào giai thoại dân gian. Ông được cho là đã truyền cảm hứng để ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jim Croce ra đời bài hát  "Bad, Bad Leroy Brown" từng leo lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong hai tuần vào tháng 7/1973. Ông cũng là hình mẫu để tạo dựng nhân vật trùm ma túy do diễn viên Wesley Snipes thủ vai trong bộ phim "New Jack City" phát hành năm 1991.

"Barnes rất có sức thu hút", Sterling Johnson Jr., thẩm phán liên bang và cựu công tố viên đặc biệt về án ma túy ở New York, nói vào năm 2007.

Khi bị giam trong nhà tù liên bang ở Marion, bang Illinois, Barnes đã tự học để lấy bằng đại học rồi dạy những tù nhân khác và giành chiến thắng trong một cuộc thi thơ cho các phạm nhân.

Được phóng thích sau hơn hai thập kỷ bị giam, phong cách khoa trương của Barnes cũng lùi vào dĩ vãng khi ông sẳn sàng thích ứng với chương trình bảo vệ nhân chứng.

Nếu hàng xóm và đồng nghiệp hỏi, Barnes sẽ nói với họ rằng ông là một doanh nhân bị phá sản, từng làm việc tại siêu thị Walmart và mơ ước mở một cửa hàng thức ăn nhanh nhượng quyền Krispy Kreme. Barnes sống trong một khu phố phần lớn là người da trắng, lái chiếc ô tô cũ đi làm 40 giờ mỗi tuần.

"Tôi muốn thức dậy mỗi ngày, lên xe đi làm và trở thành người được tôn trọng trong cộng đồng của tôi. Và tôi đã được tôn trọng"" Barnes nói trong cuộc phỏng vấn năm 2007.

Hai con gái đã trưởng thành của Barnes cũng được cung cấp tên mới trong chương trình bảo vệ nhân chứng liên quan và dọn đến sống với Barnes một thời gian sau khi ông được phóng thích.

Một người con gái của ông giải thích: "Thật khó để chúng tôi hình dung rằng 'Quý ông không thể chạm tới' chính là cha chúng tôi. Vào lúc đó, chúng tôi đủ lớn để hiểu những gì ông đã làm".

Tuy nhiên, đối với những đồng bọn trước đây của Barnes, ông là một kẻ chỉ điểm khiến họ căm thù.

Barnes từng khóc trên bục nhân chứng khi ông chỉ ra những người bạn cũ là thành viên của một "hội đồng" gồm những kẻ buôn bán ma túy từng cùng nhau thề "đối xử với người anh em của tôi giống như đối với bản thân tôi".

Khi được hỏi vào năm 2007 rằng liệu có điều gì tồi tệ hơn việc trở thành người tố giác bạn bè?, Barnes trả lời: "Ngồi tù trong suốt phần đời còn lại. Tôi thà ra làm nhân chứng hơn là ở trong tù để được họ xem là một người bạn đáng tin cậy. Tôi ra tù rồi, còn họ nhập kho".

Top