Còn nhiều khó khăn trong việc thu gom bơm kim tiêm bẩn

22/04/2016 14:55

Việc thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng vẫn còn gặp khó khăn do chưa được trang bị công cụ bảo vệ như găng tay, ủng, que gắp... Đây là khó khăn mà Dự án thành phần VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AISD đang gặp phải trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm tiếp cận cộng đồng đang thu gom bơm kim tiêm bẩn tại một địa bàn trọng điểm của ma túy - Ảnh: Nhật Văn

Phát dễ nhưng thu gom thì không dễ

Trong thời gian qua, việc bơm kim tiêm đã qua sử dụng vẫn vất bỏ rất bừa bãi tại các điểm nóng tiêm chích ma túy, không được thu gom thường xuyên là hiện tượng khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS và cũng là nguy cơ rất lớn, có thể gây tai nạn thương tích.

Theo Phó Giám đốc thường trực Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam Phạm Nguyên Hà, việc thường xuyên nhìn thấy bơm kim tiêm khi ra đầu ngõ nhà mình, hay dọc đường đi sẽ tác động đến cái nhìn của cộng đồng đối với người nghiện chích ma túy. Việc này khiến cộng đồng ác cảm hơn đối với người nghiện chích ma túy nói riêng và người nhiễm HIV/AIDS nói chung, dẫn đến hình thành nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối trong cộng đồng.

Có thể thấy, tác hại của việc không thu gom bơm kim tiêm bẩn là rất lớn và có nguy cơ tăng dần theo thời gian. Song câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ thu gom bơm kim tiêm bẩn? Ông Phạm Nguyên Hà cho biết, mỗi năm Dự án thành phần VUSTA phát ra rất nhiều vật phẩm giảm hại cho các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) để thực hiện dự án. Ví dụ như năm 2015, các CBO trong toàn dự án đã phát gần 2 triệu chiếc bơm kim tiêm. Với số lượng phát ra như vậy nếu không được thu gom thì rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Đến từ Liên minh câu lạc bộ Về nhà, là liên minh hỗ trợ cho người sử dụng ma túy và phụ nữ bán dâm trên địa bàn TP Hà Nội, chị Phạm Thị Minh chia sẻ, việc thu gom bơm kim tiêm bẩn từ các đối tượng nghiện chích ma túy ở Hà Nội thực sự rất khó khăn. Bởi dù đã được phát hộp an toàn, nhưng do có nhiều đối tượng nghiện chích, giấu gia đình nên không thể công khai để hộp an toàn trong nhà hay mang theo bên mình khi ra ngoài được.

Theo đó, Liên minh đã đưa ra giải pháp là khuyến khích người nghiệm chích ma túy sau khi sử dụng có ý thức thu gom và vứt vào hộp an toàn, sau đó đưa lên văn phòng nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy người nghiên chích ma túy có rất nhiều điều phải lo lắng, giấu giếm khi sử dụng bơm kim tiêm, nên thường rất ít người hoàn lại bơm kim tiêm đã phát ra. Do đó, việc “phát bơm kim tiêm thì dễ, nhưng thu gom về thì rất khó khăn” chị Minh nói.

Chưa được trang bị công cụ bảo vệ

Ông Phạm Nguyên Hà cho biết, khi phát vật phẩm giảm hại về các CBO, dự án đã đề nghị các CBO sau khi phát bơm kim tiêm phải chủ động thu gom bơm kim tiêm bẩn, ít nhất là đạt 75% số phát ra để đưa về cho các cơ sở y tế để tiêu hủy. Điều này cũng đã được các CBO triển khai thực hiện, song thực tế do không được trang bị các công cụ bảo vệ như găng tay, ủng, que gắp… nên trong thời gian qua số lượng thu gom bơm kim tiêm bẩn của các CBO là chưa nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hà cho biết, hiện Dự án Vusta đã có kế hoạch xin tài trợ kinh phí của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS để đầu tư mua sắm những dụng cụ bảo vệ khi thu gom bơm kim tiêm, nhằm đảm bảo an toàn cho tiếp cận viên cũng như chính những người sử dụng bơm kim tiêm. Đồng thời, cùng với việc yêu cầu các CBO, các tiếp cận viên thu gom bơm kim tiêm bẩn, có thể có các sáng kiến khác như thu gom bơm kim tiêm bẩn thông qua các công ty môi trường. Bởi các công nhân môi trường đều được trang bị đồ bảo hộ an toàn, nên việc thu gom bơm kim tiêm bẩn sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc xin tài trợ để đầu tư các trang bị công cụ bảo vệ, cần tiếp tục đề nghị các CBO thu gom bơm kim tiêm, để hạn chế bơm kim tiêm bẩn tràn lan ngoài cộng đồng, gây mất thiện cảm và mỹ quan cần nâng cao nhận thức của người nghiện chích ma túy về việc tiêm chích an toàn. Việc người nghiện chích ma túy có ý thức hơn trong việc bỏ các bơm kim tiêm đã qua sử dụng vào đúng nơi quy định sẽ tăng hiệu quả việc thu gom. Cùng với đó, cần nâng cao sự nhận thức, tham gia của toàn bộ cộng đồng trong việc thu gom, tiêu  hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng để bảo đảm an toàn cho các thôn, xóm.
Top