Làm tốt nhiệm vụ chống tội phạm ma túy ngay từ “cửa ngõ” đất nước

16/12/2019 12:27

Hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới nước ta ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, với nguy cơ biến Việt Nam không chỉ là địa điểm tiêu thụ ma túy mà còn là nơi trung chuyển ma túy sang nước thứ 3. Trước tình hình đó, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã và đang nắm chắc tay súng, làm tốt nhất có thể nhiệm vụ chống tội phạm ma túy ngay từ “cửa ngõ” đất nước.

Ngày 2/7/2018, những tên tội phạm ma túy ở Việt Nam, Lào và Campuchia đều ngóng về “Lóng Luông”. Đó là ngày súng nổ chát chúa ở thung lũng Tà Dê, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. “Thủ phủ” ma túy khét tiếng đã bị san phẳng trong vòng vây của trinh sát biên phòng, công an. Bọn tội phạm ma túy vào giờ phút đó đều đồng loạt phát đi tiếng lóng, đại ý là “nhổ trại”. Những tên trùm ma túy chuyển “vật lực” vào miền Nam, bắt đầu hành trình mới ma mãnh, liều lĩnh hơn.

Trinh sát đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng An Giang cùng Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) diễn tập đánh bắt tội phạm ma túy

Thủ đoạn mới, tinh vi

“K” là một mắt xích trong đường dây mua bán heroin từ Tam Giác Vàng, sang Lào về Việt Nam. Mặc dù ra vào chợ đen, nhưng “K” vẫn chỉ tiếp cận được vòng ngoài. “K” chỉ biết mơ hồ rằng, trong cánh rừng già sâu hun hút ở Lào, giáp biên giới Việt Nam có một công xưởng chế biến, do “giám đốc” điều hành. Công xưởng là một khu hầm ngầm có 3 lớp cửa - cửa khóa cơ, cửa vân tay và cửa lấy tín hiệu từ giác mạc.

Ở Việt Nam, mác “giám đốc doanh nghiệp” cũng là bình phong để các ông trùm cơ sở chế biến ma túy sắm vai, và các vụ án mới chỉ phá được những công xưởng lộ thiên. Ngày 6/8/2019, Chuyên án 626T do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04; Bộ Công an) chủ trì, có sự phối hợp của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm phía Nam - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (Đoàn 3) và các lực lượng khác đồng loạt bắt, khám xét tại những địa điểm là nơi sản xuất, kho hàng và nhà ở của các đối tượng tại tỉnh Kon Tum, Ninh Thuận và TPHCM. Ban chuyên án đã bắt giữ 14 người, trong đó có 9 người Trung Quốc, 2 người Đài Loan và 3 người Việt Nam. Cầm đầu đường dây là Thái Tự Lực (quốc tịch Trung Quốc), đối tượng có lệnh truy nã của Công an Trung Quốc, thường xuyên di chuyển bằng đường bộ vào Việt Nam. Lực lượng đánh án thu giữ 15 máy chưng cất hóa chất, 41 thùng phi bên ngoài có ghi methanol và acetol (nghi tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp), tổng trọng lượng khoảng 13 tấn.  

Tháng 2/2019, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với C04 Bộ Công an và lực lượng hải quan chặn bắt một đối tượng đang “gánh” gần 300kg ma túy đá từ Lào về Việt Nam. Qua lời khai của đối tượng bị bắt giữ, các trinh sát đã tìm được “vết” của bọn đàn em đang di chuyển vào TPHCM.

Thời còn lẩn trốn trong rừng núi phía Bắc và hàng đêm “gánh” ma túy rời hang ổ, tội phạm ma túy tuân thủ nguyên tắc “máu lạnh” - bắn vào những gì động đậy ở phía trước. Nhiều trinh sát biên phòng đã hy sinh khi cố bắt sống bọn chúng. Khi tội phạm ma túy chuyển hướng vào đô thành nhộn nhịp thì chúng áp dụng nguyên tắc “mặt lạnh” - chở vài chục bánh heroin lượn lờ giữa phố đông người, nhưng vẫn bình thản, mặt lạnh lùng và không biến sắc.

Đại tá Nguyễn Văn Sửu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng TPHCM), cho biết phương thức “tuồn” ma túy vào nội địa của các đối tượng rất tinh vi, bọn tội phạm tính toán những kẽ hở để đưa ma túy đi bằng đường công khai. Đại tá Sửu chỉ rõ: “Riêng tại cảng Cát Lái, mỗi ngày có hơn 1.000 container thực hiện lệnh giao hàng điện tử. Theo quy định, doanh nghiệp 2 năm không vi phạm pháp luật về thuế, xuất nhập khẩu các mặt hàng thông thường sẽ được xét vào “luồng xanh” và khi đã vào “luồng xanh” là không bị bất kỳ một kiểm tra hàng hóa nào. Ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng), nên rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện”.

Phía Việt Nam và Thái Lan đánh mạnh, thời điểm “tắc đường”, bọn tội phạm liều lĩnh vận chuyển bằng con đường… “ăn ma túy”. Hai đối tượng Kafor Ifeanyi Anthony và Adibe Paschal (cùng quốc tịch Nigieria) chia gần 1,3 kg heroin thành 7 gói nuốt vào bụng; nữ quái Yosbiel Katerine (quốc tịch Venezuela) nuốt 106 viên nén chứa 1,26 kg heroin, nhưng đã bị trinh sát biên phòng phối hợp với cảnh sát tỉnh Xiêm Reap (Campuchia) bắt tại Phnom Penh, đưa đi chụp cắt lớp.

Các đường dây mua bán ma túy luôn biến đổi hết sức ma quái nên cuộc chiến vẫn diễn ra nóng bỏng từng ngày, từng giờ.

Mật phục ở “nút thắt”

“Bắt bí mật. Bắt tiếp tên dẫn hàng!”, Đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, truyền đạt ý kiến từ ban chuyên án. Cú điện thoại lúc nửa đêm được phát đi vào lúc lực lượng trinh sát đặc nhiệm biên phòng đang rải khắp các “nút thắt”.

Ở địa bàn Quảng Trị, tội phạm ma túy thường vận chuyển “hàng” bên Lào về Việt Nam qua 2 cửa khẩu Lao Bảo, La Lay rồi tập kết ở TP Đông Hà, nhưng chúng phải đi qua 2 con đường độc đạo, và đó là 2 “nút thắt”. Phần lớn bọn tội phạm đi qua “nút thắt” nằm ở dốc làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Đây là con đường độc đạo từ biên giới về TP Đông Hà, từ vị trí này có thể quan sát vệt đèn ô tô quét trên nền đường cách 500m, trước khi chúi đầu lao xuống dốc làng Vây. Để đảm bảo tính bí mật, phá được án, các mũi tấn công được lệnh hành quân trong đêm tối, khi cách “nút thắt” khoảng 10km, trinh sát phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ, cắt rừng đến các vị trí mật phục sát với cánh rừng già biên giới.

Liên tục trong năm 2019, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và Quảng Trị đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn (65.000 viên, 100.000 viên, 215.000 viên…). Theo lời khai của các đối tượng, những lô ma túy này nếu lọt qua đường biên đều hướng về TPHCM.

Đại tá Minh có kinh nghiệm chỉ đạo phá thành công 38 chuyên án, 131 vụ án, tang vật thu được 723.298 viên ma túy tổng hợp; 10,04kg cần sa; hơn 23,5kg ma túy đá… Ông đã từng cùng cấp dưới vào rừng rải lá chuối ngủ lại để nghe trinh sát đi thâu đêm về báo cáo tình hình. Nhưng chuyên án lập vào đầu tháng 12/2019 có nhiều phức tạp và khó lường. Đại tá Minh chia sẻ, đó là những ngày căng như dây đàn đối với ông và lực lượng phá án. Ở biên giới, trời lạnh buốt vào buổi sáng tinh mơ và chiều hôm. Tại “nút thắt” dốc Tân Long, cứ 12 giờ đêm là cắt điện đường và sau đó mọi thứ tối như hũ nút. Suốt nhiều đêm trường, những người lính đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng xuất hiện khắp các ngõ ngách “đón” con mồi.

“Mật phục là công đoạn cuối của chuyên án. Nửa đêm, điện thoại trên chiếc xe chở đội đánh án vẫn liên tục réo vang và có tiếng nói phát đi từ nhiều ngõ ngách ở “đầu nguồn” thông báo tình hình di chuyển, hành động của các đối tượng. Nếu không có “đầu nguồn” thì “nút thắt” sẽ bị lạc tín hiệu”, một trinh sát kể.

Top