Lạng Sơn: Khó triển khai điểm điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone

14/11/2017 16:46

Theo Quyết định số 1572/QĐ-UBND, ngày 26/8/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 8/2017, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động, Xã hội tỉnh được chuyển đổi thành Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) tỉnh trực thuộc Sở LĐTB&XH. Theo đó, CSCNMT tỉnh có thêm nhiệm vụ điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tuy nhiên, trên thực tế, để triển khai điểm điều trị này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khám bệnh cho bệnh nhân sau 6 tháng điều trị bằng Methadone

Nghị định 90/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế, những học viên ở cơ sở cai nghiện bắt buộc muốn điều trị bằng Methadone phải viết đơn, làm hồ sơ tự nguyện tham gia điều trị và cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.

Hiện CSCNMT tỉnh có 159 học viên đang điều trị, trong đó có 13 học viên tự nguyện, 2 học viên thuộc diện không nơi cư trú, còn lại 144 học viên cai nghiện bắt buộc. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Ban Giám đốc CSCNMT tỉnh đã phát phiếu thăm dò đến 100% học viên đang cai nghiện tại cơ sở. Tuy nhiên, không có học viên nào làm đơn đăng ký điều trị bằng Methadone. Xét theo tiêu chuẩn quy định, căn cứ vào số học viên, chỉ có 15 học viên (diện cai nghiện tự nguyện và học viên không nơi cư trú) đủ điều kiện đăng ký cai nghiện bằng Methadone.

Bên cạnh đó, CSCNMT tỉnh phối hợp với UBND xã lân cận thực hiện rà soát các đối tượng nghiện trên địa bàn. Qua đó cho biết, hiện có khoảng 10 người nghiện đang sinh sống tại các xã: Tân Thành, Xuân Long (huyện Cao Lộc), Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn). Tuy nhiên, những người này cũng đang điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Anh Lê Thanh T, ở Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, học viên cai nghiện tự nguyện tại CSCNMT tỉnh cho biết: Vào đây, chúng tôi đều được điều trị cắt cơn giải độc, chỉ một tuần sau là không còn cảm giác thèm ma túy, cảm thấy sức khỏe bình thường. Vì vậy, phần lớn chúng tôi không muốn điều trị cai nghiện theo phương pháp dùng thuốc methadone.

Bên cạnh khó khăn về đối tượng đăng ký điều trị, theo quy định, để tổ chức điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone, bắt buộc phải có khu điều trị riêng đáp ứng các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người. Theo đó, ít nhất phải có 4 phòng làm việc (phòng khám bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn và xét nghiệm, kho dược); các trang thiết bị như: tủ đựng thuốc, tủ tài liệu, máy tính; có ít nhất 1 bác sĩ, 1 dược sĩ trung cấp trở lên, số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian phải đạt tỷ lệ từ 75% trở lên trên tổng số nhân viên của cơ sở điều trị thay thế…

Căn cứ theo quy định, hiện CSCNMT tỉnh chỉ đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất, còn lại sẽ phải đầu tư toàn bộ trang thiết bị điều trị và 100% nhân sự sẽ phải kiêm nhiệm nếu triển khai điều trị. Trong khi riêng việc điều trị cắt cơn giải độc, điều trị ARV và một số bệnh thường gặp của học viên đã chiếm hết quỹ thời gian của y, bác sĩ nơi đây.

Ông Hoàng Văn Thả, Giám đốc CSCNMT tỉnh cho biết: Từ thực tế đó, Ban Giám đốc CSCNMT tỉnh đã xây dựng kế hoạch trình cấp trên xem xét. Trong đó có nêu lên những thuận lợi, khó khăn, dự trù kinh phí khoảng 450-500 triệu đồng để đầu tư điểm điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone nhằm đáp ứng yêu cầu của điểm điều trị.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị methadone với trên 1.350 bệnh nhân ở 8 huyện, thành phố. Trong đó, các bệnh nhân ở thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc có thể điều trị và uống thuốc tại 4 điểm: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, phòng khám khu vực Ba Sơn-Cao Lộc, Trạm Y tế phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (với trên 530 bệnh nhân). Với những điểm điều trị methadone như hiện nay, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghiện trên địa bàn và khu vực lân cận.

Như vậy, nếu triển khai thêm điểm điều trị thay thế ở CSCNMT tỉnh thì các ngành chức năng cần phối hợp nghiên cứu cách quản lý, phân bổ bệnh nhân phù hợp, trên cơ sở thuận lợi nhất cho người bệnh đến điều trị. Qua đó, vừa phát huy hiệu quả các điểm điều trị, vừa tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Top