Nỗi đau ma túy: Phía sau song sắt

26/06/2020 09:01

Sống trong cảnh tù tội, chờ ngày thi hành án tử, những giọt nước mắt muộn màng cũng không giúp những tử tù xóa đi những tội lỗi mình đã gây ra.

Phía sau song sắt - Đó là cái giá phải trả cho những đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy. Khác với hình ảnh xưng hùng, xưng bá, sống xa hoa bằng những đồng tiền thu lợi bất chính từ việc buôn ma túy, giờ đây những đối tượng này phải đối diện với sự thực: chờ ngày thi hành án tử. Nhìn không gian giới hạn trong chấn song sắt, đối diện với 4 bức tường, các đối tượng Inthavong Paseuth, Nguyễn Bá Ngọc, Hà Hồng Quân trong chuyên án 518 -NT có hối hận cũng không thể bình yên trong tâm trí.

Trùm ma túy người Lào Inthavong Paseuth

Kể từ ngày bị kết án tử, trùm ma túy người Lào Inthavong Paseuth trở nên bớt lầm lì, tỏ ra hợp tác hơn so với thời điểm điều tra, truy tố. Tuy nhiên, những câu nói của y vẫn thể hiện sự tinh quái của một trên trùm buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên biên giới. Khi được hỏi, trước đây, có lẽ không ai có tiền nhanh và nhiều như y, y vẫn thản nhiên đáp lại: Vậy thì bỏ việc đi, đi theo tôi làm kinh tế, không nhiều tiền lắm nhưng đủ sống. Đó chắc chắn cũng là câu nói mà Inthavong Paseuth đã dùng để thuyết phục, dụ dỗ những người khác tiếp tay cho đường dây buôn “hàng trắng” của y. Cũng vì câu nói này, có biết bao gia đình tan vỡ, nhiều người vợ mất chồng, những đứa con rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ.

Là tử tù, Inthavong Paseuth vẫn thốt được ra câu nói đó, có lẽ, bản tính của một trùm ma túy “máu lạnh” chẳng thể đổi thay, dù y cũng tỏ ra buồn chán, hối hận.

“Nếu bây giờ thời gian quay lại, ai lại muốn vào tù đâu. Nhiều khi trong cuộc sống những thứ mình làm không biết trước được gì cả. Đến khi xảy ra câu chuyện như thế này rồi, ai cũng nghĩ ngợi hết, ai cũng buồn hết, làm gì có người nào không buồn đâu”, Inthavong Paseuth chua xót.

Theo Trung tá Vũ Huy Bình, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh, Inthavong Paseuth có kinh tế rất khá giả. Đối tượng thường xuống Quảng Ninh tìm địa điểm thuê làm kho lưu trữ hàng nông, thổ sản từ Lào chuyển sang, sau đó đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Đối tượng tỏ ra là người rất hào phóng, tiêu tiền thoải mái, mỗi chuyến đi đều nghỉ ở khách sạn 5 sao, ăn uống, chi tiêu, đi lại bằng xe sang.

Bị tuyên án tử hình, Nguyễn Bá Ngọc 32 tuổi, tay sai đắc lực của trùm ma túy người Lào, phải bỏ lại 3 con thơ để trả giá cho những tội lội của mình gây ra

Nguyễn Bá Ngọc, cánh tay phải của ông trùm người Lào, cũng đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án tử hình trong đường dây mua bán ma túy. 32 tuổi, người đàn ông với khả năng ăn nói hoạt bát này đã bỏ lại 3 đứa con nhỏ thơ ngây để trả giá cho những tội lỗi của mình đã gây ra.

Tử tù Nguyễn Bá Ngọc buồn bã nói: “Cả ngày chỉ ngồi một chỗ, thỉnh thoảng cán bộ đi qua lại cũng động viên, hỏi thăm, cho mượn sách, báo để đọc cho hết ngày. Ngày nào cũng vậy, sáng ngủ dậy lại nhìn ra ngoài cửa chán chê, rồi quay lại với 4 bức tường, đọc truyện đọc báo, cảm giác một ngày thật là dài. Cùng cảnh ngồi chờ thi hành án tử, chẳng ai muốn nói chuyện tương lai. Do mình còn con cái, nên nghĩ thương các cháu”.

Đại úy Vũ Hữu Xoan, cán bộ quản giáo tại Trại giam công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, làm công tác cán bộ quản giáo nói chung và quản lý số người bị kết án tử hình nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đại đa số đối tượng bị kết án tử hình đều xác định nhận mức án cao nhất nên đôi lúc họ tỏ ra rất bất mãn, mặc dù các cán bộ quản lý thường xuyên nhắc nhở, động viên nhưng tính tình họ rất thất thường. Có thể sáng thì vui vẻ, đến chiều thì quay ra thắc mắc, khó chịu rất nhiều thứ do không còn động lực phấn đấu.

Đại úy Vũ Hữu Xoan cho biết: “Khi bị bắt, thời gian đầu các đối tượng rất hoang mang, lo lắng, ít nói và không có ham muốn về việc ăn uống. Vào đây rồi, họ mới nhìn nhận quá trình phạm tội, nghĩ về gia đình, người thân của mình đầu tiên, nên tôi cảm nhận đại đa số đều rất ăn năn và nuối tiếc vì đã dấn thân vào con đường này, bỏ lại người thân ở đằng sau. Đến thời điểm này, so với ngày mới bị bắt, tâm lý họ đã dần ổn định, quen với môi trường trong này”.

Sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến nhiều mảnh đời trượt dài vì những sai lầm vốn dĩ không nên có. Sống trong cảnh tù tội, chờ ngày thi hành án tử, những giọt nước mắt muộn màng cũng không giúp những tử tù xóa đi những tội lỗi mình đã gây ra, đằng sau đó là nỗi dằn vặt khi nghĩ về người thân, về gia đình. Và những bản án nghiêm khắc, sẽ là bài học, là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người hãy tránh xa “cái chết trắng”.

Top