Phòng, chống ma túy tại Nga: Từ dễ dãi buộc trở lại nghiêm khắc

20/02/2012 08:08

Vào những thập niên trước, Nga đã thi hành chính sách tự do hóa trong phòng, chống ma túy. Chính sách này được Ủy ban Kiểm tra Hiến pháp Liên Xô cũ thông qua và được Nga áp dụng từ ngày 25/10/1990. Chính sách quy định việc hạn chế cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy. Người dân có thể sử dụng ma túy và tự chịu trách nhiệm cho sức khỏe của mình. Đồng thời cũng loại bỏ các hình thức xử phạt đối với các trường hợp sử dụng và buôn bán ma túy.

Năm 1991, Nga đã đóng cửa các cơ sở điều trị bắt buộc dành cho những người mắc các bệnh có liên quan đến việc sử dụng rượu và ma túy. Năm 1997, Bộ luật hình sự của Nga quy định, việc sử dụng rượu và ma túy không còn được tính vào danh mục các tình tiết tăng nặng tội trong các vụ án.

Bên cạnh đó Chính phủ Liên bang cũng thông qua nghị quyết số 231 ngày 6/3/2004 quy định về “Liều lượng các chất gây nghiện và các chất an thần được phép sử dụng”. Ngay sau khi nghị quyết này được thi hành, tỷ lệ tử vong do ma túy tăng cao gấp 2 lần. Đến năm 2006 nghị quyết này mất hiệu lực.

Theo các chuyên gia Nga, việc thi hành chính sách tự do trong phòng chống ma túy đã làm gia tăng số người nghiện ma túy tại nước này với con số 2,5 triệu người nghiện.

Hiện nay tình hình ma túy tại Nga nổi lên một số vấn đề, trong đó nổi cộm nhất vẫn là vấn đề về gia tăng các loại thuốc gây nghiện như cocaine, heroin, các loại chất kích thích dạng amphetamine… Chúng chính là tác nhân làm cho virut HIV và virut viên gan B lây lan một cách chóng mặt, đồng thời cũng là một mối đe dọa đối với an ninh, kinh tế quốc gia và sức khỏe cộng đồng.

Một số nguyên nhân khiến cho tình hình ma túy tại Nga ngày càng trở nên phức tạp, đó là Nga có biên giới giáp Afghanistan, một trong những cái "lò" sản xuất ma túy lớn trên thế giới.

Tại khắp các vùng miền của nước Nga rộng lớn, số lượng các loại ma túy được chế biến bằng chính nguyên liệu địa phương, cũng như các chế phẩm thuốc chứa chất gây nghiện tăng lên không ngừng và được bày bán hết sức tự do.

Hiện nay, Nga và cả thế giới đang phải đương đầu với các mối nguy cơ, thách thức mới có liên quan đến sự gia tăng của các loại tội phạm xuyên quốc gia, các tổ chức khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và sự ra đời các loại ma túy, chất kích thích mới.

Trong bối cảnh đó, Nga đã phải thay đổi chính sách cũ của mình và xây dựng chiến lược phòng chống ma túy cấp quốc gia.

Ngày 9/6/2010, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký Nghị quyết về việc phê duyệt chiến lược phòng chống ma túy cấp quốc gia.

Mục đích của chiến lược này là ngăn chặn sự lan tràn tệ nạn sử dụng ma túy, hạn chế hậu quả của việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy có ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, an toàn cho xã hội.

Nga: Thay đổi chính sách để đạt hiệu quả cao trong phòng, chống ma túy. Ảnh minh họa

Năm 2011, nước Nga bắt đầu một hướng đi mới cho dự án phòng, chống ma túy cấp quốc gia, chú trọng đến việc phát triển các cơ sở y tế chăm sóc người mắc các bệnh liên quan đến ma túy. Dự án này được ngân sách Liên bang phân bổ số tiền là 323 triệu rúp.

Phương pháp điều trị cai nghiên chính được sử dụng ở Nga là: Để bệnh nhân hoàn toàn bị cách ly với các chất gây nghiện, thay vào đó sẽ sử dụng một loạt các loại dược phẩm khác nhau, trong đó có cả dược phẩm có chứa chất kích thích tâm lý.

Việc làm này đem lại kết quả rất tốt. Người nghiện ma túy sau khi được điều trị hoàn toàn không còn bị lệ thuộc vào ma túy. Bên cạnh việc điều trị cai nghiện, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp người bệnh phục hồi lại các chức năng xã hội mà họ đánh mất. Ngoài ra người bệnh sau khi được điều trị thành công sẽ được tư vấn hỗ trợ việc làm. Các công việc của họ chủ yếu mang tính cộng đồng. Họ có thể làm việc cùng người thân, quen hoặc làm việc trong môi trường cộng đồng mới.

Top