Phòng, chống người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam

13/02/2020 09:55

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tình hình hoạt động phạm tội ma túy của người nước ngoài ở Việt Nam trong những năm qua tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng trên tất cả các tuyến đường bộ, hàng không, bưu điện và đường biển. Đặc biệt, có sự cấu kết giữa tội phạm ma túy với các loại tội phạm khác, giữa người nước ngoài với các đối tượng trong nước.

Các đối tượng phạm tội ma túy là người nước ngoài tập trung chủ yếu tại khu vực giáp biên giới giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc, hình thành các cơ sở tập kết sát biên giới để sẵn sàng vận chuyển ma túy đến nơi tiêu thụ. Chúng lợi dụng người dân tộc thiểu số với vai trò là người môi giới, cảnh giới, người vận chuyển... được thuê với số tiền nhất định; số ít đứng ra làm đầu mối, đại lý nhằm cung cấp ma túy cho các nơi và cho người nghiện tại địa bàn. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy không ngừng thay đổi, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Kiểm đếm vật chứng vụ vận chuyển 300 kg ma túy “đá” tại TPHCM

Tại TPHCM, tội phạm ma túy liên quan đến yếu tố nước ngoài vẫn tiềm ẩn và phức tạp. Các đường dây vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây tiếp tục cho thấy TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ là nơi tiêu thụ mà ma túy còn tiếp tục được chuyển từ đây đi nước thứ ba. Từ đầu năm 2019 đến nay, nổi lên là những nhóm đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cấu kết với các đối tượng trong nước tổ chức vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh TPHCM như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện như: huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Tân... để lẫn vào các container hàng hóa rồi dùng các công ty “bình phong” xuất đi nước thứ ba như Philippine, Đài Loan (Trung Quốc) thông qua các cảng biển tại TPHCM.

Điển hình ngày 20/3/2019 tại TPHCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bắt quả tang 11 nghi phạm (trong đó có 08 người Trung Quốc, 03 người Việt) vận chuyển 300kg ma túy “đá”. Công an đồng loạt khám xét 05 điểm nghi vấn là kho cất giấu ma túy tại TPHCM và 02 điểm tại tỉnh Đắk Nông. Đây là kết quả khám phá chuyên án bóc gỡ đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy “đá” từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TPHCM do các nghi phạm người Lào, Trung Quốc cấu kết với đồng phạm người Việt Nam cầm đầu.

Dụng cụ các đối tượng dùng để sản xuất và trưng cất ma túy tổng hợp

Bên cạnh đó, một số đối tượng người nước ngoài mang quốc tịch các quốc gia châu Âu, châu Phi bị phát hiện, bắt giữ vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực sân bay quốc tế. Ngày 12/8/2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng cơ quan chức năng bắt giữ nam hành khách người Senegal, 39 tuổi, đi trên chuyến bay BL30 có hành trình từ Nigeria qua Ethiopia đến Thái Lan rồi đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Đối tượng này đã nuốt tổng cộng 77 viên nén chứa cocain (được gói kín giống hình dạng như viên thuốc nhộng to, đường kính 1cm, dài 5cm) trong bụng nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Với thủ đoạn hết sức tinh vi, liều lĩnh như trên, đối tượng đã di chuyển trót lọt qua 04 quốc gia và chỉ bị bắt khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng”, tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp. Khoảng 6 giờ 00 ngày 06/8/2019, Ban chuyên án dưới sự chủ trì của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cùng với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Kon Tum đã đồng loạt đột kích vào nhà xưởng của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Đồng An Viên (tại khu làng nghề thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), khống chế và bắt giữ quả tang 7 đối tượng đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy đều là người Trung Quốc, trong đó có 02 đối tượng Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng, quốc tịch Trung Quốc là đối tượng chủ mưu cầm đầu (Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tổng Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp).

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần methamphetamine (ma túy “đá”); trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phuy, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy... phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy; khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô...). Với lượng hóa chất, tiền chất này, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất ra 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Các loại ma túy tổng hợp

Trong khi đó, công tác phòng ngừa tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài hiệu quả đạt được chưa cao; công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót... Hơn nữa, quá trình phát hiện, bắt giữ các đối tượng người nước ngoài phạm tội ma túy còn gặp khó khăn, khi tiến hành xác minh, kiểm tra những thông tin về đối tượng người nước ngoài thì kết quả, thông tin thu được còn ít và thiếu chính xác, chưa kịp thời; thiếu cán bộ làm công tác phiên dịch, đặc biệt khi bị bắt đối tượng không khai hoặc nói bằng tiếng bản địa gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.  

Dự báo thời gian tới, số lượng người nước ngoài liên quan đến tội phạm ma túy vẫn sẽ không ngừng gia tăng. Bên cạnh các tuyến phức tạp đã có, các đối tượng phạm tội sẽ tìm cách hình thành các tuyến vận chuyển ma túy mới về Việt Nam rồi tiếp tục chuyển sang các nước, vùng lãnh thổ khác. Cùng với đó, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài cũng sẽ triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, phương tiện, kỹ thuật hiện đại để tiến hành giao dịch, trao đổi, thanh toán hoặc cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước cần đi sâu vào nguyên nhân phạm tội của người nước ngoài tại Việt Nam, từ đó đề ra phương án hoàn thiện cơ chế quản lý cư trú của người nước ngoài, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý xuất nhập cảnh. Ngoài ra, cần tiến hành quá trình "mở cửa" song song với tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh bằng cách nâng cao phối hợp giữa các cơ quan chức năng; sửa chữa và bổ sung về mặt chế tài đối với các trường hợp vi phạm pháp luật là người nước ngoài; tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ với các nước trong việc truy bắt tội phạm xuyên quốc gia. Cần hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật, có những quy định về quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ nắm tình hình về số lượng xuất nhập cảnh.

Ma túy bị thu giữ

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia để vận động quần chúng nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác hoạt động của người nước ngoài hoạt động phạm tội ma túy. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy, nhất là các nước láng giềng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ma túy thẩm lậu qua các khu vực biên giới; tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu hợp tác đấu tranh có hiệu quả với người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam.

Top