Tập trung đấu tranh, triệt phá tận gốc tội phạm ma túy

12/08/2019 15:30

Trong 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 138 Quốc gia đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm; đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma tuý, “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, khai thác khoáng sản trái phép…

 Bắt giữ tội phạm ma túy. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 25.167 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2018), nhưng tội phạm hình sự có chiều hướng hoạt động manh động, nguy hiểm hơn, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, nhiều vụ giết người, giết người thân, giết người cướp tài sản hành vi dã man, tàn bạo do mâu thuẫn gia đình, ghen tuông, mê tín, sử dụng chất kích thích gây án…. đã xảy ra ở nhiều địa phương.

Hoạt động phạm tội núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ thuê gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản mặc dù đã được kiềm chế, nhưng diễn biến rất phức tạp, gây lo lắng trong nhân dân.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công an đã điều tra, khám phá 21.071 vụ phạm pháp hình sự, bắt 45.570 đối tượng, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%; triệt phá 1.392 băng nhóm tội phạm các loại.

Riêng đối với công tác phòng, chống “tín dụng đen”, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến loại tội phạm này, vì đây là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác. Lực lượng Công an đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can; xử lý hành chính hơn 2.200 vụ, gần 600 đối tượng trong 6 tháng đầu năm 2019. Qua đó, đã làm chuyển biến tình hình, các băng nhóm “tín dụng đen” không dám hoạt động.

Thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các lực lượng tiếp tục triển khai, bám sát thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn từ các kênh tín dụng của ngân hàng; sửa đổi, bổ sung Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 theo hướng tăng nặng hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; nghiên cứu, ban hành quy định về cho vay ngang hàng...

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2019, nhìn chung Ban chỉ đạo 138/CP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Số liệu báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm đã giảm 0,99% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018, tỷ lệ điều tra và khám phá tội phạm đạt 82,25%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Những kết quả trên góp phần kéo giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Đó là, công tác phối hợp của một số bộ, ngành với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm chưa bảo đảm yêu cầu. Việc ngăn chặn ma tuý qua biên giới còn nhiều bất cập; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn phức tạp, tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương…

6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 138 Quốc gia đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm; đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma tuý, “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, khai thác khoáng sản trái phép…

Cần nắm và dự báo tình hình tốt, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát kịp thời phát hiện chấn chỉnh sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự…

Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tội phạm để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma tuý, “tín dụng đen”, khai thác trái phép tài nguyên, cát sỏi, buôn lậu… cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu.

Tiếp tục rà soát, xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; Ban Chỉ đạo 138 các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo và đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phòng ngừa tội phạm.
Top