Đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức

27/11/2021 13:48

Để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhiều địa phương như Lạng Sơn, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức.

100% các tụ điểm hoạt động mại dâm cần được xóa bỏ triệt để khi bị phát hiện

Lạng Sơn: Không để hình thành các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác này, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, tăng cường sự đồng thuận, quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm;

Đồng thời, lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống mại dâm với các chương trình phòng, chống ma túy; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em... Giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm, hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm; đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu có trên 80% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. 100% các huyện, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS.

Lạng Sơn cũng đặt mục tiêu, sẽ xây dựng, triển khai 01 đến 02 mô hình thí điểm cấp huyện về phòng, ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiênh, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Phấn đấu ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Ninh Thuận: Lồng ghép gắn với các chương trình phát triển KT-XH

Ngày 1/11/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng đồng bộ các biện pháp phòng, chống mại dâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác này, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Mặt khác, địa phương luôn bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm, giảm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm.

Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 98% các huyện, thành phố và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng chương trình, nội dung truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức.

Định kỳ hàng tháng, quý đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, tỉnh các thông tin về phòng, chống mại dâm.

Cùng với đó, 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm được xóa bỏ triệt để khi bị phát hiện; đấu tranh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. 100% các vụ án liên quan đến tệ nạn mại dâm được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.

Tỉnh phấn đấu xây dựng và triển khai 01 mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS hoặc mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm;

Duy trì 50/65 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; hàng năm, 100% xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm (giai đoạn 2021 - 2025)…

Hà Tĩnh: Tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 398/KH-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; Hàng năm, tăng 3 - 5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.

Trong nhiệm vụ này, Hà Tĩnh sẽ xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm.

Đồng thời, tăng cường quản lý về an ninh, trật tự; tổ chức điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức phạm tội liên quan đến mại dâm. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm từ cơ sở; kịp thời truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm.

Về nhiệm vụ xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm, phấn đấu có ít nhất 70% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng; 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng…

Giải pháp mà tỉnh Hà Tĩnh đề ra là tăng cường vai trò của các sở, ngành, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống mại dâm; đưa công tác này thành nhiệm vụ thường xuyên, là một mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chế tài về xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm; các chính sách về phòng ngừa, bảo vệ người chưa thành niên đối với hoạt động mại dâm; các hành vi vi phạm quyền trẻ em trong lĩnh vực phòng chống mại dâm; khung pháp lý về can thiệp, giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.

Top