Hà Nội: Tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm

06/04/2020 17:16

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2020, Thành phố tiếp tục triển khai 3 mô hình thí điểm hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm trên địa bàn.

Sinh hoạt nhóm đồng đẳng hỗ trợ người bán dâm. Ảnh Nhật Thy

Cụ thể, từ năm 2019, mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình; mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới”; mô hình “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội” trên địa bàn quận Hoàng Mai. Đây là các địa bàn tập trung nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội, có những tụ điểm tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về tệ nạn mại dâm.

Việc triển khai các mô hình nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, người bán dâm tại cộng đồng; quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với chính bản thân họ và cộng đồng xã hội. Bước đầu triển khai đã đạt được một số kết quả tích cực như: Thiết lập và duy trì các nhóm đồng đẳng của người bán dâm (lực lượng nòng cốt trong tiếp cận, truyền thông và chuyển gửi khách hàng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ); tổ chức hoạt động đối thoại giữa các bên liên quan, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Trong đó, mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền cho người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ” đã tiếp cận 140 người là chủ cơ sở, người lao động được phổ biến, kịp thời cập nhật, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế thiếu sót trong hoạt động kinh doanh, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ các cơ sở đã ký cam kết đảm bảo quyền của người lao động và phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở; 150 người lao động được tư vấn đã hiểu và quan tâm hơn đến thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 284 người lao động được tiếp cận để tìm hiểu các thông tin cơ bản, khó khăn, nhu cầu của họ, qua nắm bắt có 116 người có nhu cầu hỗ trợ như: khám sức khoẻ, hỗ trợ học nghề, tư vấn pháp lý, vay vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế,…

Năm 2020, bên cạnh việc duy trì các mô hình, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội phấn đấu ít nhất 50% số người được tiếp cận có nhu cầu sẽ được chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ phù hợp. Để làm được điều này, cần tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện mô hình; tiếp tục nâng cao năng lực, duy trì và phát triển thành viên các nhóm đồng đẳng; thực hiện các hoạt động hỗ trợ, chuyển gửi đồng thời đánh giá chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ...

Nhật Thy

Top