Hiệu quả Mô hình hỗ trợ người bán dâm tại Quảng Ninh

07/10/2015 09:36

Bên cạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh triệt phá các ổ, nhóm mại dâm, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ giảm hại, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Nhờ đó, hàng trăm phụ nữ mại dâm đã được tư vấn, hỗ trợ khám sức khỏe, tạo công ăn việc làm, tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.107 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 94 cơ sở nghi vấn có liên quan đến hoạt động mại dâm. Kinh tế phát triển, nhất là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nên có nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Đối tượng chủ chứa, môi giới dẫn dắt và người  bán dâm thường khai thác những lợi thế thuận lợi của các địa bàn du lịch, cửa khẩu và khu công nghiệp để lén lút tổ chức hoạt động mại dâm.

Một phụ nữ mại dâm được hỗ trợ học nghề

Trước tình hình đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, triệt phá, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương ổn định cuộc sống. Năm 2011, mô hình được triển khai tại 2 phường “nóng” về mại dâm là Hà Khẩu, Yết Kiêu của thành phố Hạ Long. Mô hình được triển khai góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm tại địa bàn, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn mại dâm, phòng ngừa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đến nay, tại 2 phường nói trên đã thành lập được 2 câu lạc bộ và thu hút được 60 hội viên sinh hoạt đều đặn hàng tháng với nhiều nội dung phong phú, tập trung vào việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, ngừa, đấu tranh chống tệ nạn mại dâm tại cộng đồng. Tập trung tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ tệ nạn mại dâm, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội: phát hiện, tố giác đối tượng môi giới, dẫn dắt, tổ chức hoạt động mại dâm; phát hiện vận động cảm hóa, giáo dục, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của những người quản lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.

Câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật của 2 phường cũng được thành lập để phối  hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông trên địa bàn như: phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền và tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của phường. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của mô hình được Sở giao cho Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng LĐTBXH cấp huyện tiến hành hằng tháng, có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện công việc để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các hoạt động cần thiết đảm bảo hoạt động hiệu quả của mô hình.

Năm 2013, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh đã xây dựng Mô hình thí điểm hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm giai đoạn 2012 - 2015 tại thành phố Hạ Long. Đến nay, mô hình đã thực hiện được 3 năm tại 20 phường thuộc thành phố Hạ Long; thành lập nhóm Tự lực Hạ Long Xanh với 12 thành viên nòng cốt, nhiệt tình công tác và tiếp cận được với các đối tượng là nhân viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ và làm dịch vụ, hỗ trợ khám sức khỏe phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục, người bán dâm tham gia mô hình thí điểm từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi việc làm, hòa nhập vào cộng đồng.

Kết quả, đã có gần 1.000 chị em được hỗ trợ tư vấn tâm lý, cung cấp bao cao su miễn phí, 200 chị em được nhóm Tự lực gặp gỡ, tư vấn các vấn đề về giảm hại trong hoạt động mại dâm, 185 chị em được sinh hoạt chuyên đề thông qua các cuộc họp nhóm, 40 chị em được tư vấn và hỗ trợ giới thiệu việc làm, 45 chị em được hỗ trợ kinh phí khám và điều trị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục bình quân số tiền là: 250.000 đồng/người đến 1.000.000 đồng/người.

Mô hình hỗ trợ giảm hại, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã thu được những kết quả ban đầu khả quan đánh dấu bước chuyển biến quan trọng về quan điểm đối với công tác phòng, chống mại dâm trong giai đoạn chuyển đổi mô hình công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ người bán dâm từ các Trung tâm Chữa bệnh -Giáo dục- Lao động xã hội sang mô hình hỗ trợ tại cộng đồng.

Top