Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm tại Hà Nội

10/09/2015 11:13

Trong những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Người bán dâm thường xuyên thay đổi hình thức hoạt động, sử dụng intenet, điện thoại di động, xe máy đi lại trên phố để chào mời khách, sử dụng xe ôm làm môi giới và đưa khách đến điểm hẹn, họ thường không mang theo giấy tờ tùy thân nên các cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Khoảng 3.000 người sống bằng nghề bán dâm

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tổng số người bán dâm tại Hà Nội ước tính khoảng 3.000 người. Thành phố hiện có khoảng 6.017 cơ sở kinh doanh dịch vụ (CSKDDV) có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (TNMD) trong đó: 59 vũ trường, khiêu vũ; 3.206 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê...,); 2055 nhà hàng Karaoke và cơ sở massage; 697 nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn.

Tệ nạn mại dâm gây tác hại nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội - Ảnh minh họa

Tệ nạn mại dâm gây tác hại nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa, sức khỏe của người dân, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 về không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm, để chuyển đổi cách thức hỗ trợ người bán dâm từ hình thức tập trung tạicCơ sở chữa bệnh sang hình thức hỗ trợ dựa vào cộng đồng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và tổ chức kế hoạch thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012-2015.

Với thời gian thực hiện trong 3 năm, nguồn ngân sách chi cho hoạt động này khoảng 9 tỷ đồng, đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án là 400 người bán dâm dưới 25 tuổi (nếu trên 25 tuổi đến 35 tuổi phải có con nhỏ). Hoạt động can thiệp tập trung vào việc thúc đẩy, xây dựng nghiên cứu các chính sách, pháp luật hỗ trợ người bán dâm tại Hà Nội  hòa nhập cộng đồng, trong đó có sự  phối hợp tham gia của các tổ chức: Trung tâm dạy nghề (REACH); Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA); Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light).

Nhiều mô hình giúp người bán dâm ổn định cuộc sống

Tính đến tháng 8/2015, dự án đã tổ chức 7 khóa học nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 77 chị em với các nghề: cắt uốn tóc, thiết kế đồ họa, vẽ móng nghệ thuật, bàn - bar, pha chế đồ uống, bán hàng-maketing. Các học viên là người bán dâm hoàn lương đã tham gia học nghề được học miễn phí và nhận hỗ trợ 1.350.000 đồng/người/tháng (mỗi khóa học nghề từ 3-3,5 tháng). Khi kết thúc khóa học các chị em được Trung tâm REACH  giới thiệu và xin việc làm, đến nay đã có khoảng 40 chị em có việc làm với mức lương từ 2,5- 5 triệu đồng/tháng đảm bảo ổn định cuộc sống và không còn tham gia hoạt động bán dâm.

Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) hỗ trợ cho các chị em đã và đang tham gia hoạt động bán dâm mở cửa hàng kinh doanh nhỏ với các mô hình như: Cửa hàng làm đẹp Tóc- móng; Quán ăn uống- giải khát (ốc luộc, cháo trai, nước mía siêu sạch…); Cửa hàng may thời trang; Cửa hàng bán quần áo thời trang; Cửa hàng chăn, ga, gối...

Mỗi mô hình kinh doanh cá thể sẽ được hỗ trợ mức tối đa là 15 triệu đồng; mô hình kinh doanh nhóm sẽ được hỗ trợ với mức tối đa là 25 triệu đồng, trong đó có một phần là hỗ trợ không hoàn lại, chủ yếu để hỗ trợ chị em mua sắm trang thiết bị cần thiết và một phần cho vay không lãi suất để tạo điều kiện cho chị em có thêm vốn để mua nguyên vật liệu và đầu tư cho việc kinh doanh.

Tính đến nay, dự án đã hỗ trợ được 28 mô hình của 31 chị em với tổng tiền hỗ trợ là hơn 392,5 triệu đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại là hơn 212 triệu đồng, cho vay không lãi suất là hơn 180 triệu đồng. Theo báo cáo giám sát từ nhóm cán bộ dự án, đa số các mô hình được hỗ trợ đều đang kinh doanh ổn định, có lợi nhuận từ 4 đến 6 triệu/tháng.

Dự án cũng tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cấp cơ sở về cách tiếp cận giảm hại trong công tác phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; tập huấn cho lực lượng công an về kỹ năng điều tra thân thiện; truyền thông cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ về các chính sách liên quan đến phòng chống mại dâm trong mối tương quan với bình đẳng giới.

Từ những kết quả đạt được của Dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng chính sách và thí điểm mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội”. Với sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ, vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội với vai trò quản lý giám sát cho thấy sự thành công của mô hình can thiệp giảm tác hại can thiệp giảm tác hại, giúp cho người bán dâm ổn định cuộc sống để hòa nhập cộng đồng.

Những kết quả trên đã khẳng định được hướng đi mới cho công tác phòng, chống mại dâm trong bối cảnh hiện nay.

Phòng, chống tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và hết sức phức tạp. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng, trong đó vấn đề mấu chốt là chỉ đạo, tổ chức tốt công tác hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề, vay vốn tạo việc làm để người bán dâm hòa nhập cộng đồng bền vững. Hy vọng rằng từ mô hình này, chúng ta sẽ có những giải pháp, chính sách phù hợp hỗ trợ người bán dâm để họ ổn định cuộc sống từ bỏ hoạt động mại dâm góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng.
Top