Indonesia: Sử dụng phần mềm điện thoại để phòng chống mại dâm

11/07/2019 13:23

Những kẻ buôn người nhắm vào những địa bàn mà trình độ nhận thức của người dân thấp. Chúng lợi dụng những người không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn do bị thiên tai, nợ nần và đưa ra những lời mời làm việc trong các nhà hàng, nhà máy với mức lương hấp dẫn nhưng sau đó, chúng ép buộc phụ nữ và trẻ em hoạt động mại dâm.

Theo báo cáo của Cơ quan điều tra cảnh sát hình sự Indonesia, tình hình mua bán người ở nước này có chiều hướng giảm: Năm 2016 cả nước có 110 vụ án về mua bán người, năm 2017 là 123 vụ án đến năm 2018 chỉ có 95 vụ án.

Ở Indonesia, những kẻ mua bán người khai thác nạn nhân cả trong và ngoài nước. Nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, đàn ông và trẻ em lao động trong các ngành nghề như đánh bắt cá, chế biến cá, xây dựng, làm việc trên các đồn điền dầu cọ; làm việc trong các nhà máy sản xuất, các nhà hàng dịch vụ.

Bộ Ngoại giao Indonesia, năm 2018 đã xác định 164 nạn nhân của nạn mua bán người, các cơ quan chức năng đã thu thập thông tin, cung cấp hỗ trợ mua sắm các tài liệu nhận dạng khi cần thiết và giới thiệu 95 nạn nhân tới cơ quan dịch vụ xã hội.

Ủy ban Bảo vệ Trẻ em báo cáo đã xác định 65 trường hợp buôn bán trẻ em năm 2018 và đã xác định 93 trường hợp mại dâm trẻ em. Chính phủ đã cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng cho các nạn nhân bị lạm dụng, bao gồm nạn nhân buôn người, thông qua các trung tâm dịch vụ tích hợp tại địa phương dành cho phụ nữ và trẻ em. Các trung tâm dịch vụ tích hợp đã được thành lập ở tất cả 34 tỉnh và khoảng 436 huyện trên cả nước. Các dịch vụ bao gồm nơi ở ngắn hạn, chăm sóc y tế, tư vấn, dịch vụ liên lạc gia đình và đào tạo kỹ năng nghề; tuy nhiên, trên thực tế, các dịch vụ khác nhau dựa trên sự lãnh đạo và tài trợ của địa phương. 

Năm 2018, có 70 nạn nhân được hỗ trợ pháp lý; 18 trường hợp đã được tạo điều kiện phục hồi, 19 trường hợp vẫn đang được điều tra và có hai trường hợp, các nạn nhân đã quyết định không tiếp tục chương trình phục hồi mà không rõ lý do. Kể từ tháng 12 năm 2018, chỉ có một số nạn nhân trong 18 trường hợp đã nhận được bồi thường, vì luật pháp Indonesia cho phép những người phạm tội bị kết án phải ngồi tù thêm thay vì trả tiền bồi thường.

Một số Bộ và cơ quan có trách nhiệm vận hành đường dây nóng. Bộ Ngoại giao vận hành đường dây nóng 24 giờ cho người Indonesia ở nước ngoài và hai ứng dụng di động bao gồm thông tin về các dịch vụ bảo vệ và đi lại an toàn. 

Vào tháng 12/2018, Bộ Nhân lực đã ra mắt một ứng dụng di động cho người lao động nhập cư cho phép họ liên lạc với Bộ này, những người lao động nhập cư khác và gia đình của họ. Ứng dụng này cũng chia sẻ thông tin về các dịch vụ của Bộ Nhân lực. Cơ quan Quốc gia về Bảo vệ Vị trí của lao động di cư quốc tế (BNP2TKI) cũng đưa vào hoạt động hai đường dây nóng 24 giờ, một số fax và địa chỉ email phục vụ như là một trung tâm khiếu nại đối với lao động nhập cư Indonesia. Năm 2018, hệ thống khiếu nại của BNP2TKI đã nhận được 4.678 đơn khiếu nại từ các công nhân ở nước ngoài.

Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia (KKP) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) xây dựng thành công và đưa vào hoạt động ứng dụng trên điện thoại thông minh để quản lý tình trạng buôn bán người. Ứng dụng này được thiết kế nhằm nhận biết nạn nhân buôn bán người thông qua tuổi tác nạn nhân, tình trạng hợp đồng lao động, điều kiện sống và điều kiện làm việc trên tàu và bất kỳ hạn chế nào khác liên quan  đến việc đi lại và giao tiếp. Đây là một công cụ tích cực giúp cho cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng phát hiện nạn nhân của nạn buôn người trong lĩnh vực thủy sản.

Ứng dụng đơn giản này cung cấp danh sách 21 câu hỏi bằng nhiều ngôn ngữ (Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines…) cho phép các nhà điều tra thu thập thông tin trực tiếp từ phi hành đoàn không phải người Indonesia thay vì phải dựa vào lời nói của một thuyền trưởng tàu, người có thể có lý do để đánh lừa họ về tình trạng của thuyền viên.

Dữ liệu của các trường hợp nghi ngờ là mua bán người sẽ được thu thập và gửi về trung tâm dữ liệu, thống kê và thông tin Tổng thư ký Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia. Nếu quá trình xác định nạn nhân cho thấy việc mua bán người đã xảy ra, nạn nhân sẽ được tiếp tục hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, dịch vụ y tế, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ quay trở về và tái hòa nhập cộng đồng. Nếu quy trình nhận dạng ban đầu cho thấy buôn bán có thể xảy ra, các cá nhân sẽ được kiểm tra toàn diện hơn trên bờ do KKP và IOM thực hiện.

Sự phát triển của ứng dụng này sau thời gian hợp tác chặt chẽ giữa IOM và Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp (KKP) đã góp phần giải quyết nạn buôn người trên các tàu đánh cá hoạt động ở Indonesia. Đồng thời cũng góp phần phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Top