Mỹ: Cái chết bi kịch của một cô gái bán dâm

11/09/2020 10:22

Cuộc đời của Alice Carter được coi như một ví dụ điển hình cho sự bế tắc trong việc giải quyết vấn nạn nghiện ngập ở Washington D.C.

Alice Carter có rất nhiều nhân dạng: cô là gái bán hoa và là một nhà thơ nghiện chất kích thích. Ngoài ra, Carter còn từng cướp giật và lừa đảo trên đường phố thủ đô Washington, D.C.

Cô qua đời tại Bệnh viện Đại học Howard vào ngày 17/12/2019, sau khi được phát hiện nằm bất động trước một cửa hàng McDonald’s ở khu dân cư Dupon Circle.

8 tháng sau, Carter trở thành ví dụ điển hình trong báo cáo của thanh tra Washington, D.C., cảnh báo rằng chính quyền thành phố chưa nỗ lực hết sức để giúp những người vật lộn với các vấn đề liên quan đến chất kích thích.

“Carter đã tự chuốc rượu mình đến chết trên vỉa hè lạnh giá ở Washington khi sinh nhật tuổi 36 đang cận kề, sau khi nhiều chuyên gia đã cố giúp cô về vấn đề nhà ở, chăm sóc y tế và hỗ trợ pháp lý. Chúng tôi hy vọng rằng việc hiểu hơn về trường hợp của Carter sẽ giúp cơ quan chức năng có giải pháp tốt hơn để giúp những người đang gặp khó khăn tương tự”, thanh tra Kathleen Patterson viết trong một bức thư gửi kèm với báo cáo.

Alice Carter qua đời trước một cửa hàng McDonald's tại thủ đô Washington D.C., Mỹ, vào ngày 17/12/2019. Ảnh: Washington Blade.

Ví dụ điển hình

Số liệu thống kê từ các báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian 2015-2018, chính quyền Washington, D.C., không nhất quán trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc đối với người bị rối loạn lạm dụng chất kích thích trong khung tư pháp hình sự.

Chỉ khoảng 1% trong số những người bị giam giữ do có biểu hiện nghiện chất kích thích được điều trị trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi bị bắt giữ. Trung bình, các tù nhân phải đợi 33 ngày để được hỗ trợ điều trị sau khi ra tù.

Trong khi đó, các báo cáo cũng cho thấy Sở Y tế và Sức khỏe Tâm thần Washington chỉ có thể tiếp cận khoảng 20% những người có nguy cơ tử vong cao vì sử dụng chất kích thích quá liều.

Nhiều người có vấn đề liên quan đến chất kích thích vẫn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ của chính phủ và lâm vào tình cảnh vô gia cư, sống lang bạt trên đường phố Washington. Ảnh: Washington Post

Cơ quan thanh tra đã đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm việc mở rộng chương trình cai nghiện ở các nhà tù tại Washington và sử dụng phương thức phân luồng của tòa án để giúp mọi người tránh bị giam giữ với lý do lạm dụng chất kích thích.

Tuy nhiên, điểm nhấn của bản báo cáo chính là Alice Carter. Cuộc đời của cô đã được nghiên cứu một cách chi tiết và tường thuật rõ ràng, đi kèm với nhiều phân tích chuyên sâu, một điều hiếm thấy trong các bản báo cáo của thanh tra.

“Tôi nhận ra rằng nếu chúng ta có thể nhìn nhận một cách đầy đủ về cuộc sống của Carter, thì đó sẽ là một cách để chuyển trọng tâm của những vấn đề chính sách phức tạp hướng về phía con người hơn”, phóng viên Patterson của Kansas City Star và là cựu thành viên Hội đồng thành phố Washington, chia sẻ.

Mảnh đời chìm ngập trong biến cố

Cuộc đời của Carter được khắc họa trong báo cáo của các thanh tra không khác gì một tấn bi kịch. Cô sinh ra ở Maryland, sau đó gia đình cô chuyển đến Ohio. Cha mẹ Carter ly hôn khi cha của cô bị kết tội hiếp dâm. Họ tái hôn khi ông mãn hạn tù, để rồi hai người lại ly hôn một lần nữa.

Carter thường bị bắt nạt vì là người chuyển giới, nên cô đã tìm đến ma túy từ khi còn là một thiếu niên. Carter cũng có một đứa con với bạn gái của mình.

Năm 19 tuổi, sau một lần tự tử bất thành, Carter gia nhập một tổ chức tôn giáo và đã được dẫn đến Detroit, sau đó là Washington. Năm 2006, cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV và thường xuyên lui tới phòng khám Whitman-Walker.

Sau đó, Carter được cho là đã chuyển sang hành nghề mại dâm để kiếm sống. 10 năm cuối của cuộc đời cô xoay quanh những chẩn đoán bệnh tật, hành vi thất thường, nhập viện và bị tống giam.

Hy vọng đôi khi cũng lóe lên trong cuộc đời của Carter. Năm 2015, với sự hỗ trợ từ các nhà chức trách, cô đã mua được nhà - đánh dấu bước đầu của quá trình tái ổn định cuộc sống, đặc biệt là đối với những người vô gia cư.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng tương đối yên ổn, Carter lại bị bắt giam sau khi nhổ nước bọt vào một tài xế Metrobus. Cô nhanh chóng mất căn hộ và một lần nữa trượt dài vào con đường cũ, cuối cùng kết thúc cuộc đời mình trên hè phố Washington vì lạm dụng đồ uống có cồn.

Julie Turner là một nhân viên xã hội, người đã cố gắng giúp đỡ Carter khi cô còn sống. Turner cho biết đã gặp Carter vào năm 2012 ở khu vực Dupont Circle trong tình trạng “ngất xỉu bên cột đèn đường, quần áo nửa mặc nửa không, tay nắm chặt cây kim tiêm”.

Turner cho biết Carter cũng có những thời điểm tỉnh táo, nhưng giới chức thành phố đã không thành công trong việc giúp cô ấy bảo toàn tính mạng.

Câu chuyện về cuộc đời Carter đã giúp truyền tải thông điệp của các thanh tra đối với chính quyền thành phố trong việc hỗ trợ những cá nhân có vấn đề liên quan đến chất kích thích.

Nhiều cơ quan như Sở Y tế và Sức khỏe Tâm thần Washington, Bộ Cải chính Washington, Trung tâm Y tế Unity, Street Sense và Nhà thờ Foundry United Methodist đã bày tỏ sự đồng cảm với cá nhân Carter, đồng thời hướng đến việc cải thiện các chương trình trợ giúp những mảnh đời tương tự.

Top