Phòng, chống mại dâm còn nhiều bất cập

13/08/2019 17:39

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho biết công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay còn khó khăn. Nguyên nhân là do văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, chưa quy định chi tiết dẫn đến khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn.

Theo ông Trần Ngọc Du, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến khiêu dâm, kích dục, mại dâm vẫn còn xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp trong các cơ sở xông hơi, xoa bóp, hớt tóc, khách sạn, quán cà phê giải khát, karaoke…

Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay chưa quy định điều chỉnh, xử lý hành vi mại dâm đồng tính, quan hệ tình dục nam với nam, quan hệ tình dục nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm quan hệ tình dục (giao cấu). Do đó không thể xử lý hình sự về các tội liên quan đến mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính về hành vi đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở do mình quản lý.

Các nhóm tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ như thông qua mạng Internet, điện thoại thông minh, hệ thống máy tính, các kênh liên lạc trực tuyến… để đăng ảnh, rao giá, trao đổi mua bán dâm hết sức tinh vi.

Từ những vướng mắc này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM đã kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH ngày 17/3/2003 về phòng, chống mại dâm, bổ sung các quy định về “mại dâm đồng tính” và quy định cụ thể về “trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh” để phát sinh tệ nạn xã hội do mình quản lý.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2004/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để làm cơ sở kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm.

Trên địa bàn TPHCM hiện nay có 8.949 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Trong đó 5.458 cơ sở lưu trú, 988 cơ sở nhà hàng có tiếp viên nữ, 552 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau, 34 cơ sở vũ trường, bar, công ty giải trí biến tướng thành bar; 35 cơ sở beer-club; 709 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khát có tiếp viên nữ; 486 cơ sở massage, spa, day ấn huyệt, xông hơi - xoa bóp; 646 hớt tóc thanh nữ; 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.
Top