Bàn về một số khía cạnh của tình dục đồng giới

10/10/2013 16:37

Đồng tính luyến ái, hay tình dục đồng giới đang là vấn đề được quan tâm chẳng những ở nước ta mà cả trên phạm vi toàn cầu, nhất là từ khi nhân loại phải đương đầu với đại dịch HIV/AIDS.

Đồng tính và những khái niệm

Về mặt khái niệm, tình dục đồng giới là việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hay một cách lâu dài. 

Để hiểu rõ hơn về tình dục đồng tính chúng ta cần hiểu về thiên hướng tình dục của con người. Thiên hướng tình dục là sự bị hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc về mặt tình dục bởi người khác giới tính hoặc người cùng giới tính với mình hoặc với cả hai người một cách lâu dài.

Thiên hướng tình dục thường được phân loại dựa trên giới tính của những người hấp dẫn mình do đó thường được nêu lên dưới dạng ba loại chính: dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và  song tính luyến ái. Những dạng thiên hướng tình dục thông thường nhất nằm trên một thang đo 6 bậc từ hoàn toàn dị tính luyến ái (chỉ bị hấp dẫn bởi người khác phái) cho đến hoàn toàn đồng tính luyến ái (chỉ bị hấp dẫn bởi người cùng phái) và bao gồm vài dạng song tính luyến ái khác (bị hấp dẫn bởi cả hai phái).

Sự ý thức giới tính và sự thể hiện giới tính có liên quan mật thiết đến thiên hướng tình dục, nhưng đây là những khái niệm khác nhau. Sự ý thức giới tính chỉ sự ý thức của chính cá nhân đó về giới tính sinh học của họ, sự thể hiện giới tính chỉ các điệu bộ, cử chỉ, cách cư xử của cá nhân đó còn thiên hướng tình dục thì liên quan đến sự tưởng tượng, mong mỏi, khao khát về tình dục. Chẳng hạn một người đàn ông có giới tính sinh học là nam và ý thức mình là nam (ý thức giới tính là nam) nhưng có điệu bộ, cử chỉ và cách cư xử như phụ nữ (thể hiện giới tính là nữ) đồng thời cũng có thể có ham thích tình dục với phụ nữ (thiên hướng tình dục là dị tính luyến ái). Thông thường thì mỗi cá nhân có thể thể hiện hoặc công khai thiên hướng tình dục của mình ra bên ngoài . Nhưng những người đồng tính luyến ái thường che dấu  thiên hướng và hành vi tình dục của họ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng thiên hướng tình dục chỉ được quyết định bởi sự tổng hợp của kiểu gen, hoocmon và ảnh hưởng môi trường. Một số nhà nghiên cứu khoa học về tình dục cũng nêu lên những lý lẽ để bác bỏ những quan niệm rằng thiên hướng tình dục là do lối sống quyết định. Họ cho rằng con người không thể tự mình lựa chọn giới tính, họ không thể lựa chọn cũng như thay đổi thiên hướng tình dục. Con người không thể thay đổi giới tính. Thiên hướng tình dục là bẩm sinh và không thể thay đổi. Tuy nhiên với sự phát triển về mặt khoa học và kỹ thuật cùng những biến đổi to lớn về mặt môi trường xã hội hiện nay thì những quan niệm như vậy đang được xem xét lại trên nhiều chiều cạnh khác nhau.

Đồng tính luyến ái, cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái, là một trong ba dạng thiên hướng tình dục chính nằm trên thang thiên hướng tình dục trong khi vô tính đôi khi được coi là dạng thiên thướng tình dục thứ tư. Theo nghiên cứu khoa học về y khoa, thiên hướng tình dục là kết quả tác động phức tạp bởi các yếu tố bẩm sinh và yếu tố môi trường. Do đó xu hướng tình dục không phải là một sự lựa chọn, mặc dù hành vi tình dục thì rõ ràng là do mỗi con người tự quyết định.

Quan niệm về đồng tính có nhiều thay đổi

Trong khi nhiều người nghĩ rằng đồng tính luyến ái là lệch lạc, nghiên cứu cho thấy đồng tính là một biến thể tự nhiên của tình dục loài người và không phải là nguyên nhân dẫn tới những yếu tố tâm lý tiêu cực.

Trong nhiều nền văn hóa trước đây cũng như hiện nay, quan hệ đồng tính rất phổ biến. Trong lịch sử, đồng tính luyến ái, dưới góc độ cá nhân, từng được ca tụng hoặc lên án tùy theo những chuẩn mực tình dục của từng xã hội khác nhau. Ở những xã hội mà đồng tính được ủng hộ, những quan điểm đó được coi là một cách làm cho xã hội tiến bộ. Ở những xã hội, nơi đồng tính bị lên án, những hành vi cụ thể bị coi là tội lỗi hoặc bệnh hoạn và một số hành vi đồng tính bị luật pháp trừng trị.

Từ giữa thế kỷ 20, đồng tính dần dần không còn bị xem là một căn bệnh và phạm pháp ở hầu hết các nước phát triển. Hiện nay, luật pháp về quan hệ đồng tính rất khác biệt ở các nước. Tính tới năm 2012, trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 11 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng tính, 21 quốc gia khác chấp nhận đồng tính chung sống dưới hình thức kết hợp dân sự, cùng với đó là một số tiểu bang ở Mỹ, Úc và Mexico. Ngược lại, có trên 80 nước xem đồng tính là tội phạm ở các mức độ khác nhau trong đó có 5 nước theo Đạo Hồi: Iran, Mauritania, Ả Rập Saudi, Sudan và Yemen, một phần lãnh thổ của Nigeria, Gambia và Somalia có hình phạt tử hình dành cho những người đồng tính luyến ái. Tại châu Á hiện chưa có quốc gia nào chấp nhận hôn nhân hoặc kết hợp dân sự đồng tính, tuy nhiên thái độ của nhiều quốc gia với tình dục đồng tính cũng đã có nhiều thay đổi và cởi mở hơn rất nhiều.

Cộng đồng đồng tính luyến ái trên phạm vi toàn cầu và ở từng quốc gia có số lượng đáng kế. Tỉ lệ đồng tính luyến ái thay đổi tùy theo phương pháp thống kê và tiêu chuẩn chọn lựa. Đa số kết quả cho thấy, ví dụ  ở Mỹ tỉ lệ đồng tính nam là từ 2.8 đến 9% và đồng tính nữ là 1 đến 5%. Tỉ lệ này có thể lên đến 12% đối với các thành phố lớn và chỉ 1% đối với vùng nông thôn.  

Tình hình tình dục đồng tính tại Việt Nam cũng đang là vấn đề được các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội rất quan tâm. Các nghiên cứu khác nhau đưa ra dự đoán hoặc ước tính số người đồng tính một cách khác nhau. Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ CARE thực hiện, ước tính Việt Nam có khoảng 50-125 ngàn người đồng tính, chiếm khoảng 0,06-0,15% dân số.Còn dựa theo tỷ lệ người đồng tính ở các nước khác, viện Nghiên cứu iSEE, ước tính con số người đồng tính tại Việt Nam là 1,65 triệu người, tương đương với khoảng 2% dân số. Các nghiên cứu nêu trên tuy đã cảnh báo rằng cộng đồng đồng tính luyến ái ở Việt Nam là một nhóm xã hội đặc thù có số lượng không nhỏ, nhưng các nghiên cứu ấy chưa đủ cơ sở khoa học để nhận dạng đầy đủ về nhóm xã hội này.

Việc thống kê và nghiên cứu một cách đầy đủ và rộng khắp để đưa ra những số liệu đúng đắn về người đồng tính ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách đối với người đồng tính cũng như các tác động đối với xã hội nói chung. Tuy nhiên, việc thống kê này có nhiều khó khăn như sự khác nhau trong tiêu chuẩn xác định thế nào là đồng tính luyến ái, sự không công khai của người đồng tính và sự không quan tâm đầy đủ của chính quyền và xã hội.

Cần hoạch định chính sách đúng đắn đối với người đồng tính

Trong thời đại có HIV/AIDS, chính sách đúng đắn đối với cộng đồng đồng tính luyến ái chẳng những là vấn đề quyền con người mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC) năm 2011 cho biết: nam đồng tính có khả năng nhiễm HIV cao gấp 44 tới 86 lần so với nam giới bình thường, và cao gấp 40 tới 77 lần so với nữ giới. Năm 2009, thống kê cho biết có 61% số ca nhiễm HIV mới ở Mỹ là đồng tính hoặc lưỡng tính, dù nhóm này chỉ chiếm khoảng 2% dân số Mỹ.

Hoa Kỳ hiện đang cấm nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục với nam đi hiến máu "vì họ là một nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, viêm gan B và một số bệnh nhiễm trùng khác có thể được lây truyền qua truyền máu". 

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ủy ban Phòng, AIDS TP Hồ Chí Minh thì năm 2012 tỉ lệ nhiễm HIV trong những người nam quan hệ tình dục với nam ở thành phố là 16%, tỷ lệ lây nhiễm HIV chỉ đứng sau nhóm tiêm chích ma túy. Tại đây, cứ 5 nam quan hệ đồng giới thì có 1 người nhiễm ít nhất 1 trong các nhiễm khuẩn giang mai, lậu sinh dục, lậu trực tràng, chlamydia sinh dục hoặc chlamydia trực tràng. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm HIV/AIDS cao do một đồng tính nam thường có nhiều bạn tình, họ thường giới thiệu bạn tình cho nhau và cùng quan hệ, nên chỉ cần 1 người nhiễm HIV thì sẽ nhanh chóng lây lan sang các đối tượng khác. Bên cạnh đó, các đồng tính nam thường quan niệm sai lầm rằng, chỉ có quan hệ khác giới mới bị nhiễm HIV, giang mai, mào gà... còn đồng tính thì không.

Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người đồng tính luyến ái gây ra nhiều tác hại đối với họ và những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã nói rằng, “nhiều thế hệ những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) trên toàn thế giới đã phải hứng chịu bạo lực tàn khốc vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Họ bị coi khinh, nhạo báng và phân biệt đối xử. Họ bị xô đẩy đến mức cảm thấy toàn những điều tồi tệ và không hề được biết thế nào là tự do và bình đẳng”.

Ông Ban Ki Moon cũng cho rằng, "Từ rất lâu rồi, đáp lại nỗi đau của những người LGBT chỉ là sự im lặng từ phía chính quyền. Với tư cách Tổng thư ký LHQ, tôi cam kết lên tiếng vì những người LGBT. Với sự cam kết của nhiều đối tác, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy cuộc đấu tranh này và thu hút xã hội quan tâm nhiều hơn đến những thách thức mà cộng đồng LGBT trong gia đình nhân loại của chúng ta đang gặp phải. Tôi đánh gia cao tất cả những người đang ủng hộ nỗ lực này và kêu gọi những người khác hãy vào cuộc.” Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn đang tiếp tục cản trở các nỗ lực dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm. Liên Hợp Quốc kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.  

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho biết, “Liên Hợp Quốc rất vui được thấy cộng đồng những người LGBT ở Việt Nam đang tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn vào những đối thoại tích cực với Chính phủ và công chúng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp xã hội hiểu rõ hơn về người LGBT, giảm thành kiến và kỳ thị dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, đóng góp cho việc xây dựng khung pháp lý liên quan nhằm bảo vệ quyền con người của cộng đồng LGBT.”

Năm 2012, Bộ Tư pháp cho rằng "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận", nhưng cũng nói thêm "Xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết; thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm".

Tại một cuộc đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết "…cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và Gia đình". Quyết định hủy bỏ việc xử phạt những người đồng tính kết hôn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11 tháng 11 năm 2013 đã thể hiện Việt nam đang có cách nhìn mới, nhân văn hơn, tiến bộ hơn đối với cộng đồng người đồng tính tại Việt nam.

Rõ ràng xét cả trên bình diện quyền con người và bình diện sức khỏe vấn đề quan hệ tình dục đồng giới đang đặt ra rất nhiều vấn đề mà nhà nước ta cần quan tâm nghiên cứu và từng bước giải quyết.

Top