Bàn về thẩm quyền, trách nhiệm cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

12/10/2020 10:01

Theo dự thảo Luật phòng chống ma túy sửa đổi, bổ sung (Luật PCMT) sắp trình ra Quốc hội thì biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (CNGĐCĐ) sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện đảm nhiệm. Đây là vấn đề rất mới có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ công tác cai nghiện.

Nếu Luật PCMT được thông qua thì "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý".

Lý giải cho luận điểm đưa cai nghiện lên cấp huyện, cơ quan soạn thảo cho rằng dịch vụ cai nghiện phải do cơ quan chuyên môn thực hiện.

Liệu có khả thi?

Thực tế, mấy chục năm qua chưa có cấp huyện nơi nào trực tiếp đảm nhiệm cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (kể cả mô hình thí điểm) nên khó nhìn nhận, đánh giá.

Hiện nay, với cấp huyện, cơ quan chuyên môn nhất có lẽ là Trung tâm y tế huyện. Ở đây có các phòng ban,1 số khoa khám và điều trị bệnh (Thông tư 37/2016/TT-BYT). Nhưng cũng không có khoa tâm, thần kinh liên quan đến điều trị cai nghiện nên y bác sỹ cũng phải đi đào tạo. Nếu trách nhiệm thuộc cấp huyện, phải bổ sung nhiều giường bệnh. Những thành phố lớn như TPHCM, mỗi quận, huyện trung bình có hơn 970 người nghiện có hồ sơ, TP. Hà Nội hơn 420 người nghiện. Ít nhất phải bổ sung hàng chục giường bệnh để quay vòng điều trị cho mỗi người trong 6 tháng hoặc cắt cơn 1 tháng.  Như vậy, biên chế cán bộ, cơ sở vật chất, chức năng nhiệm vụ phải bổ sung lớn. Chưa kể nếu cai nghiện tại gia đình thì  hằng ngày cán bộ Trung tâm y tế phải xuống các xã điều trị cắt cơn cho họ. Liệu có tính khả thi?

Tất nhiên, huyện có thể kết nối, chuyển gửi người nghiện đi cắt cơn ở các cơ sở khác như cơ sở cai nghiện, bệnh viện các tuyến... Nhưng việc này cấp xã cũng làm được. Giao cho cấp xã thì mỗi xã chỉ chịu trách nhiệm quản lý trung bình số người nghiện trên địa bàn (lần lượt  TPHCM, HN) là 70-20 người và người cai gia đình, cộng đồng chiếm khoảng 1/3.

Cắt cơn chỉ là giai đoạn ban đầu. Vấn đề tiếp theo là các giai đoạn sau cắt cơn hết sức quan trọng như tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục hành vi, nhân cách, huấn nghiệp trị liệu, phòng chống tái nghiện...ai sẽ làm và làm ở huyện hay chuyển về xã? Làm ở huyện phải bố trí nơi ăn, chốn nghỉ, bảo vệ vững chắc. Cho người cai nghiện về xã thì không thể huy động phần lớn cán bộ phòng LĐ-TB&XH và 1 số đoàn thể hằng ngày tạm hoãn nhiệm vụ chuyên môn (vốn đã quá bận rộn), có khi phải đi vài chục, thậm chí hàng trăm km (miền núi) để làm những việc trên. Thực chất, đó cũng không phải là  "chuyên môn" của các cán bộ này. Mà giao nhiệm vụ cho cán bộ cấp xã thì còn gì là "chuyên môn" cai nghiện nữa. Theo quy định chỉ đến giai đoạn "hỗ trợ" sau cai mới chuyển về cộng đồng giao cho cấp xã.

Huyện cũng có thể đề nghị tỉnh cho thành lập cơ sở cai nghiện như đang duy trì ở 1 số nơi để cai nghiện cho người ở cộng đồng, gia đình. Như thế xét về nhiều mặt ý nghĩa và tính chất cai gia đình, cộng đồng không còn nữa.

Huyện cũng có thể có lợi thế có uy tín tìm kiếm việc làm cho người sau cai tại các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn, kết nối các cơ sở tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tham gia công tác cai nghiện (hi vọng trong tương lai các cơ sở này phát triển rất nhiều). Nếu được như vậy thì huyện vẫn là cơ quan đứng ra phân bổ chỉ tiêu việc làm cho các xã hoăc là cơ quan điều phối hoạt động cai nghiện chứ không phải là người trực tiếp thực hiện.

Như vậy, "chuyên môn, dịch vụ" cai nghiện hiện nay ở cấp huyện rất mơ hồ. Cai nghiện là quy trình dài, nhiều nội dung khác nhau. Về mặt địa lý, "gom" người nghiện lên huyện để cai nghiện gia đình, cộng đồng với cấp huyện khác nào để "nước xa không cứu được lửa gần". Dù huyện tổ chức nhưng dễ dẫn đến tình trạng chủ yếu chỉ cai cắt cơn.

Còn để cấp huyện thực sự có cơ quan chuyên môn thực hiện dịch vụ cai nghiện thì ở các huyện có nhiều người nghiện, nếu không thành lập cơ sở cai nghiện chuyên trách cai cho đối tượng cai gia đình, cộng đồng thì phải thành lập một cơ quan chuyên trách về cai nghiện gia đình,cộng đồng. Quân số của cơ quan này được đào tạo và biên chế có thể gấp nhiều lần Chi cục Phòng, chống TNXH cấp tỉnh vì họ phải làm việc trực tiếp, thường xuyên ở các xã.

Cai nghiện bao gồm nhiều hoạt động, ngoài giai đoạn cắt cơn có tính "chuyên môn" khá rõ, cũng không nên tuyệt đối hóa sự "chuyên môn" của các khâu còn lại đối với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Phải thay đổi mô hình cai nghiện cũ trì trệ

Có thể nói, gần 20 năm qua (từ khi thực hiện NĐ 56/2002/NĐ-CP) chúng ta đã duy trì mô hình tổ chức CNGĐCĐ hiệu quả thấp, chủ yếu chỉ cai cắt cơn. Từ chỗ gần như các tỉnh, thành phố đều tổ chức cai đến nay chỉ còn 20 địa phương (31% số tỉnh,thành phố) với 2.719 xã, phường, thị trấn (25% số xã, phường,thị trấn cả nước). Nhiều nơi tổ chức cai là vì chấp hành chỉ đạo kiên quyết của cấp trên chứ thực lòng thấy khiên cưỡng, mệt mỏi, không tin vào kết quả. Người cai thường tái sử sử dụng ma túy sau một vài ngày.

Học viên cai nghiện luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe. Ảnh Nhật Thy

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan: đánh giá đơn giản hóa mức độ phức tạp của nghiện và cai nghiện; cấp xã không được đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất, kinh phí; Tổ công tác cai nghiện cơ bản không được đào tạo, lấy lòng nhiệt tình bù đắp sự thiếu hụt chuyên môn (nhưng có không ít người thiếu hụt cả lòng nhiệt huyết). Thành thử các hoạt động cai nghiện diễn ra rời rạc, hình thức, không huy động được nội lực sẵn có của nhân dân và các lực lượng ở xã.

Rõ ràng việc duy trì quá lâu mô hình cai nghiện lạc hậu, không hiệu quả không phải là lỗi của cấp xã đã không mang lại hiệu quả, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Song, một thực trạng mà hầu hết do những nguyên nhân chủ quan hoàn toàn có thể thay đổi nếu nghiêm túc đánh giá và quyết tâm đổi mới. Thay vì chuyển trách nhiệm lên cấp huyện thì hãy đổi mới từ cấp xã.

Không nên "dồn" người nghiện lên cấp huyện trong xu hướng chung là xử lý tại chỗ những vấn đề của cộng đồng.

Đổi mới và lợi thế của cấp xã

Cấp xã là cấp chính quyền cơ sở, nơi triển khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân về phát triển kinh tế-xã hội. Không thể giao cho cấp xã vẫn thực hiện mọi nội dung về phòng, chống ma túy, vốn liên quan mật thiết với nhau nhưng riêng phân khúc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chuyển lên cấp huyện.

Người nghiện cư trú tại cộng đồng, cai nghiện và hồi phục, hòa nhập xã hội hay tái nghiện đều tại cộng đồng. Cấp xã có đầy đủ lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn và hỗ trợ người nghiện. Nếu tính cán bộ từ tổ dân phố, các đoàn thể chính trị xã hội thì mỗi xã có hàng trăm cán bộ. Hiện nay,Trạm y tế cấp xã hầu hết được bố trí bác sỹ. Cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành khác phần lớn có trình độ đại học. Cộng đồng còn có anh em, họ hàng, những người thân và quảng đại nhân dân, nếu huy động tốt, giảm được kỳ thị sẽ thành sức mạnh rộng lớn giúp đỡ người nghiện.

Cái yếu và cái cần khắc phục của CNGĐCĐ trước hết là xóa bỏ mô hình Tổ công tác cai nghiện. Xây dựng cơ chế cai nghiện mới năng động, uyển chuyển kết nối nhiều dịch vụ với nhau tạo thành mạng lưới hỗ trợ. Chính quyền cấp xã có thể thành lập các cơ sở tương tự như điểm tư vấn, hỗ trợ pháp lý và các hỗ trợ khác, kết nối, chuyển gửi như đã thành lập tại một số địa phương. Với cách làm này người nghiện có cơ hội xóa bỏ mặc cảm, tự tin lựa chọn cơ sở cắt cơn phù hợp.

Mô hình này cũng khắc phục được điểm yếu "cố hữu" thời gian qua, khâu hết sức quan trọng đó là tư vấn, trị liệu tâm lý từ bước tiếp cận ban đầu và trong cả quá trình cai nghiện.

Đồng thời, qua mạng lưới sẵn có, người nghiện sẽ được tư vấn, giới thiệu đến những nơi cần thiết để khám chữa bệnh, xử lý khủng hoảng gia đình, học nghề, truyền nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn, truyền thụ kỹ năng phòng, chống tái nghiện…

Tùy theo tình hình, cơ sở tư vấn có thể phụ trách 1 xã hoặc một cụm xã nhưng vẫn do chính quyền cấp xã phụ trách. Cơ sở này không cần nhiều người, bộ phận thường trực 3-5 người, còn lại sử dụng hệ thống cộng tác viên, tình nguyện viên. Họ được trả lương hoặc phụ cấp ổn định theo quy định của nhà nước.

Vấn đề đào tạo cán bộ cai nghiện cấp xã cũng cần được chú trọng và đổi mới. Không như đào tạo cho Tổ công tác cai nghiện, vừa dàn trải, không đúng đối tượng, nhân sự lại vừa không ổn định, thường xuyên thay đổi. Cần đào tạo tập trung cho một số cán bộ. Y bác sỹ Trạm y tế cấp xã được tập huấn, đào tạo bài bản về điều trị cắt cơn, chữa các bệnh liên quan.

Bộ phận thường trực, đặc biệt là trưởng cơ sở tư vấn hỗ trợ người nghiện, ngoài tinh thần nhiệt huyết phải được tập huấn, đào tạo bài bản kiến thức, kỹ năng về  các liệu pháp tư vấn tâm lý, các kiến thức xã hội học.

Những cán bộ chính quyền, tổ chức có liên quan từ tổ dân phố thường xuyên được cung cấp, bồi dưỡng thông tin, kiến thức liên quan đến cai nghiện để hỗ trợ các hoạt động.

Cùng với cơ chế mới tăng cường kinh phí PCMT cho cấp xã cần có chính sách thực sự huy động được nguồn lực tại cộng đồng. Ban hành chính sách, tạo cơ chế khuyến khích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các dịch vụ giúp đỡ  nhiều mặt cho người nghiện của các thành phần xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh,các tổ chức phi lợi nhuận, từ thiện, tôn giáo… tạo thành mạng lưới rộng khắp hỗ trợ người nghiện.

Top