Điều kiện cần và đủ để phát triển cai nghiện tự nguyện

20/02/2019 15:09

Phát triển cai nghiện tự nguyện (CNTN) là một chủ trương lớn nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Cần đảm bảo đồng bộ cả điều kiện "cần" và "đủ" để phát triển CNTN.

 

Đăng ký cai nghiện tự nguyện. Ảnh internet

Từ mô hình cai nghiện của tỉnh Lâm Đồng

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện (mục tiêu đến năm 2020, 94% là CNTN ở Cơ sở cai nghiện (CSCN) công lập nhưng năm 2018, số người CNTN chiếm 18% người vào các cơ sở cai nghiện công lập; số cai cộng đồng, gia đình chiếm hơn 10% tổng số được cai, số cai ở cơ sở tư nhân chiếm 1, 5% tổng số. Chất lượng CNTN nhìn chung chưa cao.

Như nhiều cơ sở khác, hoạt động của CSCN tỉnh Lâm Đồng trước đây luôn gắn với các nguy cơ bỏ trốn, hành hung, chống đối, vi phạm pháp luật…thì hôm nay cơ sở đã được xây dựng như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thực thụ, trở thành một điển hình CNTN: Hình thành hệ thống dịch vụ về cả lý luận và thực tiễn phục vụ người đến cai (2 nhóm và 14 dịch vụ cụ thể). Tổng số người điều trị tự nguyện luôn chiếm trên 85% tổng số người vào điều trị, số tiếp nhận năm sau luôn vượt trên 40% năm trước, số có mặt thường xuyên luôn vượt công suất tiếp nhận trên 65%. Năm 2018, số được điều trị là 716 người, trong đó, có 604 người cai tự nguyện đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước (chiếm trên 84% tổng số) với thời hạn trên 6 tháng.

CNTN phải đóng góp 100% chi phí nhưng vẫn phải từ chối không tiếp nhận hàng trăm người vì hết công suất; kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp do đơn vị tự làm ra luôn cao hơn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách cấp phát, trong đó nguồn thu từ dịch vụ cai nghiện tự nguyện là nguồn thu chính; tiền lương tăng thêm cho viên chức và người lao động đạt 110% thu nhập do ngân sách cấp. Đa số viên chức thạo nghề và đạt hiệu suất cao trong công việc; cơ sở không có hàng rào bảo vệ, không có tình trạng học viên bỏ trốn; giảm triệt để bộ máy bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự (chỉ còn dưới 25% tổng số cán bộ)…

Để làm được điều đó, thứ nhất, CSCN đã làm thay đổi tận gốc nhận thức của lãnh đạo và cán bộ phải lấy chất lượng dịch vụ làm sự sống còn. Thiết lập được đề án để được chấp thuận cơ chế tự chủ và được giao tài sản theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng nhóm giải pháp tác nghiệp chuyên môn phù hợp vừa chấp hành các quy trình, quy phạm điều trị hiện hành của Nhà nước và khác biệt là được bổ sung các giải pháp gần với nhu cầu, mong muốn của người đến cai, được thực hiện dưới dạng các nhóm dịch vụ với 2 nhóm: nhóm dịch vụ cơ bản (cắt cơn giải độc, điều trị y tế, khôi phục thể lực, bảo đảm an ninh - an toàn, giáo dục chuyên đề theo hệ tín chỉ, dạy nghề, lao động trị liệu) và nhóm dịch vụ bổ trợ, tùy chọn, nâng cao (dinh dưỡng, khôi phục giá trị sống, thư viện, cà phê sách, giải trí tích cực, tham gia các chi hội chuyên ngành, tư vấn tay ba…). Các nhóm dịch vụ được thực hiện qua 3 giai đoạn: điều trị y tế, phục hồi giá trị sống, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng.

Thứ ba, hình thành hai cơ chế phản hồi và phản biện: cơ chế phản hồi về chất lượng dịch vụ và thành lập Tổ phản biện chất lượng dịch vụ (thành viên của tổ là học viên tự quản), tổ có trách nhiệm thường xuyên phát hiện và có tiếng nói (thậm chí trái chiều) về tất cả các loại hình dịch vụ một cách thường xuyên.

Thứ tư, tạo ra sự cộng tác trong các quy trình điều trị giữa nhân viên xã hội với học viên giữa đơn vị với các nguồn lực khác trong cộng đồng: Cộng tác trong Cơ sở qua sự gắn bó mật thiết với ban điều hành tự quản của học viên. Xây dựng một hệ thống điều hành thứ hai bên cạnh hệ thống viên chức. Tự quản không chỉ về an ninh trật tự, mà tự quản cộng tác gần như toàn bộ quy trình: hậu cần, thi đua, đánh giá kết quả, văn hóa thể thao, sinh hoạt chi hội, chào cờ đầu tuần, giao ban Daytop, phân công - điều hành… Cộng tác với thân nhân qua Ban đại diện học viên, các nguồn lực địa phương qua việc xây dựng và tổ chức hoạt động 3 Văn phòng tư vấn tại 3 địa phương trọng điểm về ma túy của tỉnh, cộng tác với các nguồn lực khác để thực hiện chương trình Đồng hành với học viên sau cai.

Mô hình CNTN thành công bước đầu của CSCN Lâm Đồng không phải là duy nhất của hệ thống CSCN công lập. Nhiều CSCN khác cũng có nhiều mặt tổ chức CNTN rất cố gắng, linh hoạt và có hiệu quả.

Và suy ngẫm về điều kiện "cần" và "đủ" hiện nay

Để phát triển cai nghiện tự nguyện, xem ra, cần đảm bảo cả  điều kiện "cần" (đầu tư, cơ chế chính sách toàn diện, phù hợp), điều kiện "đủ" (nhận thức, sự quan tâm, cách tổ chức, xây dựng mô hình, những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện, các vấn đề xã hội liên quan).

Hiện nay, chúng ta đang triển khai nhiều hình thức CNTN: Tại cộng đồng và gia đình, tại CSCN công lập, tại CSCN dân lập, tư nhân (cũng được xếp vào cai nghiện cộng đồng). Gần đây, CNTN có nhiều cách làm mới như kết hợp phòng ngừa với cai nghiện. Phần lớn CSCN công lập đã chuyển thành cơ sở đa chức năng, trong đó, CNTN được chú trọng, người CNTN được hỗ trợ kinh phí gần như cai nghiện bắt buộc; giai đoạn cắt cơn tổ chức tại CSCN tập trung, giai đoan sau đó thực hiện tại cộng đồng. CSCN dân lập có thể thực hiện cả quy trình hay 1, 2 phạm vi về điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khoẻ/giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện. Cai nghiện tự nguyện thông qua hoạt động của Cơ sở tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng…

Xem xét điều kiện "cần" cho thấy Nhà nước đã quan tâm và ban hành khá đầy đủ cơ chế chính sách cho các hình thức CNTN như: được quy định trong Luật Phòng chống ma túy, các Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, quy trình hoạt động, bố trí nguồn lực thực hiện (cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất), thủ tục cai nghiện rút ngắn, thông thoáng, thời gian cai linh hoạt theo yêu cầu của người cai nghiện; huy động sự tham gia của cộng đồng, cho người cai nghiện vay vốn để phát triển sinh kế... Từng thời gian, các quy định được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trên cơ sở đổi mới nhận thức và kết quả thực tiễn. Đó là một lợi thế to lớn của công tác cai nghiện mà không phải lĩnh vực xã hội nào cũng có được.

Tuy nhiên, nhiều chính sách (hay điều kiện cần) cũng đang cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng nhu cầu CNTN. Ví dụ: nguồn lực (cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất) phục vụ cai nghiện tại cộng đồng, gia đình không đáp ứng được yêu cầu cai nghiện; biên chế cán bộ của CSCN thấp so với yêu cầu quản lý học viên trong điều kiện ngày càng phức tạp so số học viên sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tăng cao; trình độ cán bộ, đặc biệt là cơ sở vật chất của nhiều CSCN rất chưa đảm bảo thực hiện quy trình; chưa có cơ chế cụ thể để hỗ trợ phát triển các CSCN dân lập và huy động cộng đồng tham gia thiết thực vào công tác CNTN; chương trình giảm cung, giảm cầu, giảm hại trong phòng chống ma túy chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ; các biện pháp phòng ngừa chậm đổi mới… Tất cả những điều đó, đã ảnh hưởng đến số lượng người tham gia cai nghiện tự nguyện và chất lượng của biện pháp này.

Nếu như điều kiện "cần" là những quy định "cứng" quan trọng, là chính sách chung thì điều kiện "đủ" liên quan đến một loạt vấn đề tổ chức thực hiện, tùy thuộc vào khả năng chỉ đạo và triển khai của mỗi địa phương và cũng hết sức cần thiết.

So sánh giữa các tỉnh, thành phố thời gian qua, thành công hay kém hiệu quả CNTN nhiều khi phụ thuộc phần lớn vào điều kiện "đủ" như: lãnh đạo và cán bộ chủ chốt nhận thức khoa học về cai nghiện ma túy, từ đó, có chương trình kế hoạch thiết thực giúp người nghiện; khuyến khích và tạo mọi điều kiện mạnh dạn đổi mới sáng tạo xây dựng và phát triển các mô hình cai nghiện mới phù hợp với nhu cầu CNTN (nếu chỉ khô cứng thực hiện chính sách, không có tìm tòi, vận dụng sáng tạo, sao có một CSCN Lâm Đồng là đơn vị tự chủ, đổi mới toàn diện).

Bên cạnh đó là mạng lưới người làm công tác cai nghiện tâm huyết, đạo đức và có nghiệp vụ cai nghiện bài bản; có hay không có kết nối chặt chẽ giữa CSCN và chính quyền, gia đình người cai nghiện; các biện pháp để cộng đồng giảm kỳ thị, chung tay giúp đỡ  người nghiện bằng nhiều hình thức, để phần lớn người nghiện tự tin tham gia cai nghiện và hòa nhập. Đồng thời giải quyết các vấn đề sau cai nghiện có hiệu quả (hay hời hợt, hình thức) thông qua nhiều hoạt động như tư vấn, hỗ trợ sinh kế bền vững, thành lập các tổ nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ…; tạo ra phong trào quần chúng, kết hợp nhuần nhuyễn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phòng ngừa bài bản để hạn chế người nghiện mới, huy động các đoàn thể xã hội, Đội công tác xã hội tình nguyện, tổ chức tôn giáo, từ thiện, cơ sở sản xuất , kinh doanh hỗ trợ người cai nghiện nhiều mặt, mạnh mẽ…

Điều kiện "đủ" là một hệ thống các giải pháp với sự quan tâm thực sự và có cách làm vận dụng sáng tạo, phù hợp, triệt để.

Cần tăng cường kết hợp cả hai điều kiện

Rõ ràng, để phát triển cai nghiện tự nguyện cần hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, đồng thời, phải kiên quyết đoạn tuyệt những cách làm cũ lạc hậu, kém hiệu quả và quan tâm đổi mới cách làm ở mỗi địa phương. Đó là hành trình "lột xác" nhọc nhằn, công phu tổng thể từ chính sách đến thực tiễn, từ nhận thức đến hành động. Mọi quan niệm như "đã nghiện là không cai được", "đầu tư cho cai nghiện như thế là quá lớn nhưng không hiệu quả", "cai nghiện là nhiệm vụ của lao động, công an, còn tỉnh phải tập trung phát triển kinh tế, cái nhân dân đang cần"… hoặc thỏa mãn với một vài nội dung đổi mới lẻ tẻ về cai nghiện, đều ngược với tinh thần đổi mới, đảm bảo điều kiện "cần" và "đủ" để phát triển CNTN.

Top