Giai đoạn 2016-2020: Chú trọng hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng

09/09/2020 10:36

Ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Giai đoạn này, bên cạnh công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến mại dâm, các lực lượng chức năng tập trung xây dựng chỉ đạo thực hiện 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống, bạo lực giới.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội). Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hoà nhập xã hội.

Một số ý kiến nhận định rằng can thiệp giảm tác hại sẽ gửi thông điệp cho cộng đồng rằng những hành vi rủi ro hoặc bất hợp pháp là chấp nhận được. Tuy nhiên, mại dâm không thể triệt phá/ngăn cấm hết được, luôn tồn tại trong xã hội (vì luôn có nhu cầu) nên chỉ có thể giảm những tác hại của nó cho người bán dâm và cho cộng đồng, giúp cho cộng đồng an toàn. Can thiệp giảm tác hại cho người bán dâm không phải là cổ súy cho mại dâm.

Đối với người bán dâm, các chương trình dịch vụ hỗ trợ xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự yếu thế và bất bình đẳng, có thể giúp người bán dâm được đảm bảo sức khỏe, được khẳng định quyền con người, được hòa nhập và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội cũng như thị trường lao động. Hiện tại có nhiều dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm cung cấp bởi tổ chức công lập và các đơn vị ngoài chính phủ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: đào tạo nghề, cho vay vốn hộ gia đình, các dịch vụ y tế, sức khỏe.

Từ năm 2017 đến nay, việc hỗ trợ xã hội giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng đã được triển khai tích cực, mang lại những kết quả đáng kể.

Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2017, Nhà nước đã hỗ trợ cho 5.032 lượt người bán dâm gồm hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV, tư vấn trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, có 1.194 người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Trong đó: 231 lượt người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; tư vấn trợ giúp pháp lý cho 937 lượt người; 13 người được hỗ trợ học nghề và 13 người được vay vốn, tạo việc làm.

Năm 2019, triển khai thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, từng bước xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội cho nhóm người bán dâm ở cộng đồng tại 41 tỉnh, thành phố.

Tính đến nay, các mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được nhiều địa phương xây dựng triển khai: 4 địa phương đã triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 21 địa phương thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 8 địa phương đã triển khai mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 503 lượt người bán dâm được hỗ trợ tư vấn, trong đó số đối tượng được hỗ trợ giáo dục là 5 người; số đối tượng được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 138 người; số đối tượng được vay vốn là 6 người; số đối tượng được tạo việc làm là 6 người; số đối tượng được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe là 173 người và số đối tượng được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV là 175 người. Số người bán dâm được hỗ trợ tư vấn giảm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Số lượng thành viên ban chủ nhiệm, các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng là 296 người; số đối tượng được tiếp cận thông qua các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng là 3.760 người.

Có thể thấy, việc xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống. Điều này là hoàn toàn phù hợp với phương pháp tiếp cận về đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ghi nhận trong Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của nhóm đối tượng này.

Top