Hình thành thế trận thống nhất, liên hoàn trong đấu tranh tội phạm ma tuý

21/02/2019 09:05

Theo phân công nhiệm vụ, mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng và địa bàn hoạt động khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu ngăn chặn hoạt động của tội phạm về ma túy (TPVMT). Do vậy, công tác phối hợp giữa các lực lượng là tất yếu khách quan, quan trọng và cấp bách.

Các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy trên địa bàn Quảng Bình

Để đấu tranh ngăn chặn TPVMT có hiệu quả, phải tiến hành công tác phối hợp đấu tranh một cách liên hoàn, thống nhất, toàn diện, đa dạng và chặt chẽ trên nhiều tuyến, địa bàn. Đấu tranh chống TPVMT trên tuyến biên giới và nội địa phải hình thành thế trận thống nhất, liên hoàn giữa các lực lượng chức năng.

Để công tác đấu tranh chống TPVMT trên các tuyến biên giới có hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng có liên quan làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Công an, Hải quan và Cảnh sát biển. Quan hệ phối hợp đó đã được quy định trong Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan và Cảnh sát biển trong đấu tranh chống TPVMT tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Trong quá trình thực hiện công tác phối hợp, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo lực lượng phòng, chống ma túy (PCMT) và tội phạm xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát biển và Hải quan. Trong đó, nổi bật là ngày 16/5/2018, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng Cục Cảnh sát ký Kế hoạch về giải quyết tình hình phức tạp về ma túy tại địa bàn huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện Phương án số 1078 về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPVMT tại cụm địa bàn các xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, giai đoạn 2018-2020. Phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới đến năm 2020…

Từ năm 2013-2018, lực lượng BĐBP phối hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát biển, Hải quan xác lập và tổ chức đấu tranh 118 chuyên án về ma túy (trong đó phối hợp với Công an 65 chuyên án; Hải quan 34 chuyên án; Cảnh sát biển 01 chuyên án; phối hợp với Công an và Hải Quan 18 chuyên án), bắt giữ 697 vụ, 1.127 đối tượng; thu 644,7 kg ma túy các loại.

Riêng năm 2018, lực lượng BĐBP đã phối hợp với lực lượng Công an và Hải quan xác lập, đấu tranh thành công 18 chuyên án về ma túy (trong đó phối hợp với lực lượng Công an 15 chuyên án; 03 chuyên án phối hợp cả Công an và Hải Quan), bắt giữ 49 đối tượng; thu giữ 295 bánh heroin, 117.040 viên 42,7 kg ma túy tổng hợp dạng “đá” cùng nhiều tang vật có liên quan.

Kết quả trên cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPVMT ở khu vực biên giới. Công tác phối hợp luôn được duy trì tốt, đảm bảo tinh thần đoàn kết, thống nhất trong quá trình thực hiện các nội dung công việc và nhiệm vụ được giao; góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, tài liệu giữa các lực lượng ở một số nơi, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, nội dung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhất là trong đấu tranh với các đường dây, tổ chức TPVMT khi kết thúc các vụ án, chuyên án...Việc trao đổi kết quả xử lý các đối tượng phạm tội chưa được quan tâm thực hiện, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy chưa phát huy hết thế mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhiều địa bàn duy trì hoạt động chưa thường xuyên, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phối hợp trong đấu tranh chuyên án một số đơn vị còn chưa tích cực, chủ động...

Theo Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP, trong thời gian tới, bên cạnh những mặt thuận lợi chúng ta phải đối mặt với những thách thức mới, đan xen; trong đó, tình hình an ninh, trật tự trên khu vực biên giới, vùng biên; hoạt động của các loại tội phạm nhất là TPVMT sẽ diễn biến phức tạp tiềm ẩn yếu tố khó lường có nguy cơ gây mất ổn định. Trong khi đó, lực lượng BĐBP còn mỏng, địa bàn hoạt động rộng, phức tạp, trang bị, phương tiện còn thiếu, năng lực, trình độ chưa đồng đều...

Vì vậy, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa BĐBP và các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống TPVMT trên tuyến biên giới nói riêng phải tập trung vào những nội dung, giải pháp cơ bản như: Kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp, ban ngành hữu quan đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực biên giới, lồng ghép với công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, các lực lượng cần xác định cụ thể mục đích, yêu cầu phối hợp, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phối hợp giải quyết tốt các hoạt động điều tra xử lý tội phạm, điều tra mở rộng vụ án; các hoạt động bổ trợ, hỗ trợ tư pháp, giám định, hồ sơ; quản lý hành chính, bảo vệ biên giới... Phối hợp hướng dẫn, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của mỗi lực lượng. Đặc biệt, lực lượng BĐBP và Công an cần xây dựng những kế hoạch phối hợp chung về nắm tình hình tuyến trọng điểm của TPVMT, từ đó xác lập chuyên án chung để đấu tranh tiệt phá; lực lượng BĐBP với Hải quan và Cảnh sát biển cần chú trọng trong trao đối thông tin, xây dựng các kế hoạch phối hợp theo chuyên đề cụ thể để có chủ trương, biện pháp hiệu quả ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới theo hình thức trà trộn trong hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường bộ hoặc các cảng biển.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới. Chủ động mở các đợt cao điểm tấn công truy quét TPVMT, đặc biệt các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ trong hợp tác quốc tế với các lực lượng khác; trao đổi thông tin tài liệu thu được từ hợp tác quốc tế với các nước có chung đường biên giới. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, trực tiếp tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích... ưu tiên sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trong tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Top