Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

04/02/2019 15:33

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang gặp không ít khó khăn. Do đó, dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng.

 Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Chú trọng nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên  Ban Chấp hành Trung ương Đảng -  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, những năm gần đây, vấn đề bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân được thảo luận rộng rãi trên các diễn đàn quốc tế và được nhìn nhận như một phương thức có tính quyết định để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội. Các chỉ tiêu chăm sóc sức khoẻ con người chiếm tỷ trọng lớn trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững.

Theo Liên Hợp Quốc, bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân có nghĩa là tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản về nâng cao sức khoẻ, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và các loại thuốc thiết yếu, an toàn, bảo đảm chất lượng, với mức chi phí có thể chi trả được, bảo đảm người sử dụng dịch vụ, đặc biệt người nghèo và các đối tượng thiệt thòi, không phải đối mặt với khó khăn về tài chính.

Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là một quá trình để bảo đảm sự sẵn có các dịch vụ y tế; về các điều kiện để cung cấp dịch vụ có chất lượng và hiệu quả; về tỷ lệ dân số được bao phủ chăm sóc sức khỏe và về mức độ bảo vệ tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế. Đây được coi là một quá trình hoàn thiện liên tục và không có điểm “hoàn thành”.

Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn xác định sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Các Hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Mới đây, Nghị quyết số 20/NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng lần thứ 6 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ “Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ.”, “Tăng cường nguồn lực trong nước để phòng ngừa và kiểm soát các tình huống y tế công cộng ưu tiên như HIV/AIDS, lao và sốt rét”. Nghị quyết cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó “Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số; tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%; phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm và cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

Định hướng quan trọng để đạt được những mục tiêu đã đề ra

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp. Dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng.

Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cũng được đẩy mạnh thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm trong các cở sở y tế cả của nhà nước và cơ sở y tế tư nhân với hơn 1,4 triệu người. Các hoạt động can thiệp và dự phòng lây nhiễm HIV vẫn được duy trì thông qua hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Khoảng 130.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị ARV. Chính phủ cũng đã nỗ lực để triển khai thực hiện bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV, đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị ARV của 63 tỉnh/thành phố khoảng xấp xỉ 86%.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang gặp không ít khó khăn. Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó, tỷ lệ dương tính thấp; độ bao phủ của các hoạt động xét nghiệm HIV, can thiệp giảm tác hại và điều trị ARV vẫn còn thấp, độ bao phủ của truyền thông cũng giảm; bệnh nhân bỏ điều trị Methadone có xu hướng gia tăng….

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo Chương trình mục tiêu về y tế - dân số thường xuyên được cấp muộn; sự thay đổi về tổ chức khi sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho công tác này phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, con số nhiễm HIV được phát hiện vẫn chỉ là “tảng băng nổi” do còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng có thể vẫn chưa được phát hiện, “sự kiện” tại tỉnh Phú Thọ vừa qua là một ví dụ. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị ARV cao nhưng thực tế được tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là bao nhiêu và hiệu quả thế nào cũng cần phải bàn và vẫn còn tình trạng người thuộc diện này không được mua bảo hiểm y tế vì những lý do nhất định. Những vấn đề trên, rõ ràng là những thách thức đối với quá trình ứng phó với AIDS để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Thúy Anh một trong những định hướng quan trọng của việc tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, về chính sách xã hội, thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề luật hóa, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn có những hạn chế, thách thức đang đòi hỏi và đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm toàn diện hơn trong việc định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này; đặc biệt trong bối cảnh của một quốc gia mới gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, hội nhập quốc tế sâu rộng và đang đứng trước cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những điều này đòi hỏi công tác quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, đầu tư nguồn lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, vai trò của các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội… phải có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới khi các nguồn lực viện trợ bị cắt giảm, phương thức quản lý biến đổi nhanh chóng, yêu cầu của xã hội, của người dân ngày càng cao và các cam kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Top