Kiểm soát chặt chẽ dược chất gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy

27/12/2021 16:19

(Chinhphu.vn) - Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (được Quốc hội thông qua tháng 3/2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã bổ sung nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Thuốc thú y được dùng sản xuất ma túy tổng hợp bị công an thu giữ

Tinh vi sản xuất ma túy trái phép từ thuốc thú y, tiền chất

Theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), hiện nay, nhu cầu sử dụng tiền chất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn. Theo thống kê, cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc. Số lượng nhập khẩu hằng năm tăng khoảng 10% so với năm trước.

Năm 2021, số lượng nhập khẩu tiền chất công nghiệp khoảng 640 nghìn tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn.

Trong mấy năm gần đây, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhiều đối tượng phạm tội đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.

Thực tế, sau khi nhiều hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp chiết xuất từ thuốc cảm cúm, thuốc chống viêm mũi dị ứng hay từ tinh dầu xá xị… bị triệt phá ở nhiều địa phương, lực lượng chức năng cũng phát hiện ra việc cho “ra lò” ma túy tổng hợp từ thuốc thú y. Điển hình như vào tháng 6/2017, Công an TP.Hà Nội bắt giữ Phùng Quang Anh (28 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) đang mua bán 23 g ketamine.

Quang Anh khai nhận, gia đình có cửa hàng chăm sóc chó mèo nên thường xuyên mua các loại thuốc gây mê (loại Ketamil Injection) ở cửa hàng thuốc thú y để phẫu thuật cho thú cưng. Trong một lần sử dụng thuốc gây mê chữa bệnh cho chó mèo, Quang Anh phát hiện trong đĩa có kết tủa ma túy ketamine. Từ việc này, Quang Anh đi gom thuốc gây mê ở cửa hàng thuốc thú y, rồi tách chiết ra ma túy tổng hợp đem bán cho người nghiện.

Hay đầu tháng 4/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với các đơn vị chức năng đã triệt phá thành công đường dây sản xuất ma túy từ thuốc thú y. Cơ quan Công an bước đầu xác định 4 đối tượng trú ở tỉnh Lạng Sơn và TP.Hà Nội chuyên mua bán, thu gom thuốc thú y loại K.A, rồi dùng các phương pháp tách chiết loại thuốc này để điều chế ketamine, thu về lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng…

Tháng 8/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc đã triệt phá một đường dây sản xuất trái phép chất ma túy lớn có xưởng sản xuất đặt tại Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu Ðồng An Viên, thị trấn Ðắk Hà, tỉnh Kon Tum và tại Bình Định do các đối tượng là người Trung Quốc chủ mưu cầm đầu. Tổng cộng lượng ma túy, tiền chất, hóa chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp thu được của đường dây này tại các điểm lên tới gần 60 tấn và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy.

Trong đó, số tiền chất, hóa chất được sử dụng trong đường dây sản xuất trái phép chất ma túy gồm: P2P, Propiophenone, Benzyl cyanide,H2SO4, Tartaric acid, Acetone, Toluence, Methanol, HgCl2, 3-oxo-2-phenylbutanamide, Ethyl Acetate, Methylamine, HCl, Sodium hydroxid...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nêu thực trạng: "Đối với các đơn vị nhập khẩu về để kinh doanh thì không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác, các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp. Do đó, việc kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Việc kiểm soát đối với nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc chưa được thực hiện".

Trước tình hình trên, so với luật cũ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của nước ta tiếp tục thực hiện cam kết với quốc tế để kiểm soát tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần phòng ngừa tệ nạn và tội phạm về ma túy.

Kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng

Để cụ thể hóa các quy định trong luật, ngày 4/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trong đó, có Chương 3 về "Kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy".

Nghị định quy định các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phải được kiểm soát chặt chẽ theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương và phải kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên ngành và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc kiểm soát và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trình tự, thủ tục cho phép các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, vận chuyển chất ma tuý và thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất...

Nghị định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng và quy định cụ thể đối với việc quản lý kho lưu mẫu chất ma túy quốc gia và kho lưu mẫu chất ma túy trung gian phục vụ hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh. Đồng thời, quy định rõ chế độ lập dự trù, báo cáo và trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Nghị định đã loại trừ các quy định cụ thể về chế độ báo cáo đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý, chỉ quy định đối với các Bộ chức năng, đồng thời bổ sung quy định về việc lập dự trù cho phù hợp với Công ước quốc tế.

Để thực hiện kiểm soát hoạt động hợp pháp có hiệu quả, Nghị định đã quy định rõ nội dung và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và trách nhiệm của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy các cấp.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và các quy định của Chính phủ, các ngành liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến ma túy, không để các đối tượng lợi dụng vào tệ nạn và tội phạm ma túy.

Top