Lái xe đường dài dùng ma túy: Xử thế nào?

07/03/2019 10:24

Ủy ban Tư pháp cho là đề xuất xử lý hình sự chủ doanh nghiệp có tài xế chơi ma túy không dễ.

Như tin đã đưa, sáng 6/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề được yêu cầu giải trình là dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Vụ tài xế lái đầu kéo containre sử dụng ma túy gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Long An đầu năm 2019 gây bức xúc dư luận

Đề cập đến tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất gây nghiện là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần có giải pháp mạnh để xử lý triệt để vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, thời gian qua, có hiện tượng một số lái xe tải sau khi vi phạm, bị thải loại thì xin đi lái xe taxi. Vì thế, để kiểm soát được vấn đề này, đại biểu kiến nghị cần cấm vĩnh viễn không cho hành nghề lái xe đối với những tài xế sử dụng ma túy. Khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy, cơ quan chức năng thu bằng lái và ghi thẳng vào hồ sơ để không cấp bằng lái cho người đó nữa.

Còn theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, có nguyên nhân từ chủ xe, có tình trạng chủ xe ép tài xế lái xe quay vòng nên nhiều tài xế đã phải sử dụng ma tuý.

“Nếu tìm được bằng chứng là chủ xe ép tài xế thì cần truy tố nghiêm khắc những người đó. TPHCM cũng đã có đề xuất truy đến người chủ và người quản lý”, ông Nghĩa nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, khi xử lý lái xe sử dụng ma túy phải xử lý pháp nhân (chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải). Bởi, chủ doanh nghiệp chỉ đạo hoặc làm ngơ việc lái xe chở quá trọng tải, sử dụng ma túy, chủ doanh nghiệp là đồng phạm nên phải bị xử lý.

Bên cạnh đó, theo ông Quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước, việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thời gian qua chưa nghiêm. Dẫn chứng việc cấp bằng lái xe dễ dãi hay việc xe chở hàng quá tải từ Lạng Sơn về đến Cà Mau mới bị phát hiện, ông Quyền nhấn mạnh, điều quan trọng là quản lý Nhà nước phải nghiêm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân; nếu không chỉ ra được trách nhiệm sẽ mãi mãi không xử lý mối họa tai nạn giao thông.

Giải trình vấn đề này, Bộ Công an cho biết, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định nghiêm việc xử lý đối với các trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông.

Công an các địa phương cũng tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra và đã phát hiện một số trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, đồng thời việc quản lý lái xe chủ yếu giao cho các doanh nghiệp vận tải tự quản lý.

“Việc kiểm soát lái xe sử dụng chất ma túy trên đường cũng gặp không ít khó khăn, do thời gian trung bình kiểm soát mất từ 15-20 phút/1 xe, quy trình kiểm soát qua nhiều bước, sử dụng nhiều thiết bị, có nhiều trường hợp lái xe không phối hợp, đặc biệt là xe khách, vì họ cho rằng lực lượng chức năng gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải”, báo cáo của Bộ Công an phản ánh.

Từ cuối năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo tổng kiểm soát các xe kinh doanh vận tải từ 8 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó đặc biệt chú ý kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các lái xe sử dụng chất ma túy.

Về tình trạng tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng những TNGT nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma túy phải xử lý trách nhiệm hình sự. Ông Nguyễn Văn Thể cũng nêu thực tế lâu nay chúng ta chỉ xử lý tài xế vi phạm mà chưa xử lý cái gốc là doanh nghiệp thuê tài xế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, doanh nghiệp thuê tài xế phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát, khi để tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Sau giải trình của Bộ trưởng Bộ GTVT, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, từ quan điểm và định hướng như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thấy có một số vụ việc chúng ta có thể xử lý được. Theo bà Lê Thị Nga, một số vụ án liên quan đến tai nạn giao thông chúng ta phải làm điểm, kết hợp với Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, phải tìm được trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, khi lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên việc đưa chủ doanh nghiệp vận tải ra truy tố thì không dễ. Theo bà Nga, về lý thuyết, có thể truy tố ông chủ doanh nghiệp vận tải tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trường hợp này chủ doanh nghiệp buộc phải biết rõ tài xế có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Bởi nếu ở vào trường hợp lái xe của doanh nghiệp mới sử dụng ma túy 1, 2 ngày rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thì không thể đưa chủ doanh nghiệp ra để xử lý được.

“Chúng tôi thống nhất về chủ trương nhưng khi bàn giải pháp phải cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

“Tòa, viện muốn xử lý nghiêm phải có căn cứ. Bây giờ cứ nói tài xế hút, chích thì xử lý người chủ giao xe là khó lắm. Còn quả thực biết tài xế đang nghiện ngập, hút, chích mà vẫn giao xe thì xử lý được”, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn nói.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng, với số lượng lớn, đáng báo động về số người chết, người bị thương. Trước thực trạng này, Quốc hội cần tăng cường giám sát tối cao về việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông để đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trên cả 3 tiêu chí; thắt chặt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ; lắp đặt 100% hệ thống camera tại các điểm tuần tra, kiểm soát giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Bộ Giao thông Vận tải trang bị các thiết bị thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông xảy ra như làm dải phân cách cứng trên các tuyến đường quốc lộ, lắp đặt hệ thống camera quan sát có lưu hình ảnh tại các nút giao thông quan trọng và các “điểm đen” thường xảy ra tai nạn giao thông... Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe cho người học lái xe và người tham gia điều khiển phương tiện giao thông...

Top