‘Lấy nạn nhân làm trung tâm’ trong hỗ trợ người bị mua bán

24/09/2020 15:06

Qua gần 10 năm thực hiện Luật phòng, chống mua bán người (PCMBN), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hỗ trợ toàn diện và huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang nghiên cứu, lấy ý kiến để hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế, trình tự, thủ tục, chế độ và định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

Tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Ảnh internet

Mỗi năm tiếp nhận gần 500 nạn nhân

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ 6/2013 đến 6/2019, cả nước đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân bị mua bán trở về, bình quân khoảng 500 người/năm, trong đó, 2.891 nữ, 528 người dưới 18 tuổi. Từ tình hình thực tế và nhu cầu của nạn nhân, ngành LĐTBXH đã thực hiện hỗ trợ thiết yếu ban đầu cho 2.216 người; hỗ trợ y tế 1.347 người; tư vấn tâm lý 2.105 người; hỗ trợ pháp lý 1.003 người; hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho 103 người; trợ cấp khó khăn ban đầu 817 người và 72 người được vay vốn sản xuất.

Hiện, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập). Căn cứ khả năng và điều kiện cụ thể, các địa phương giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội hoặc cả hai trung tâm này. Một số tỉnh do điều kiện khó khăn thì giao nhiệm vụ này cho Cơ sở điều dưỡng người có công hoặc Cơ sở cai nghiện ma túy. Trên thực tế, có 51 Trung tâm Bảo trợ xã hội và 43 Trung tâm công tác xã hội đã sắp xếp, bố trí từ 01- 02 phòng giành riêng cho nạn nhân bị mua bán.

Qua gần 10 năm thực hiện Luật phòng, chống mua bán người (PCMBN), hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành tương đối đồng bộ về cả quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phối; đầu tư nguồn lực cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân được quan tâm, thực hiện và huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế; các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và một số mô hình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng được triển khai đạt được kết quả bước đầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những khó khăn, bất cập cần khắc phục

Nạn nhân của mua bán người là một trong những đối tượng yếu thế, có tính đặc thù do phải chịu những tổn thất về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian bị bóc lột, giam giữ, lạm dụng, tra tấn đánh đập; có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm; gia đình, người thân ly tán, bị đe dọa; không có việc làm, thiếu định hướng trong cuộc sống... Vì vậy, họ rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách toàn diện, kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai từ chính sách đến thực tế, một số chế độ, cách thức hỗ trợ nạn nhân đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc. Cụ thể, tại các tuyến biên giới, tuyến biển, các cơ quan nước ngoài khi trao trả nạn nhân thường không thông báo cụ thể về thời gian nên các lực lượng tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân (Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển...) gặp khó khăn khi phối hợp hoặc khi trao trả một số lượng lớn nạn nhân hoặc người nghi là nạn nhân tại một thời điểm, trong khi nơi tiếp nhận ban đầu (đồn biên phòng, công an cửa khẩu, đặc biệt là UBND cấp xã) thiếu thốn về cơ sở vật chất, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ, lưu trú cho nạn nhân. Bên cạnh đó, số nạn nhân tại mỗi tỉnh, thành phố không nhiều, hầu hết các nạn nhân sau khi được xác minh, tiếp nhận đều có mong muốn sớm trở về gia đình, ổn định cuộc sống; một số ít được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội lưu trú trong thời gian chờ xác minh hoặc hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trên thực tế, đang tồn tại các cơ sở có chức năng hỗ trợ nạn nhân nhưng chưa có cơ chế quản lý rõ ràng cũng như hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật từ các cơ quan quản lý và ngân sách nhà nước để giúp việc vận hành và hoạt động của các cơ sở này hiệu quả hơn. Mặt khác, theo quy định của Luật PCMBN, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013, Thông tư số 35/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2013 thì không cấp phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều này đã làm hạn chế một nguồn lực có thể huy động từ các tổ chức và cá nhân nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc trợ giúp nạn nhân (nguồn lực này không chỉ dưới dạng vật chất, mà cả về nhân lực, kỹ năng quản lý, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe...)

Về hỗ trợ tâm lý và y tế, hiện mới chỉ thực hiện trong thời gian nạn nhân lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội. Thực tế cho thấy, nạn nhân trở về với những khủng hoảng, sang chấn tâm lý, lo lắng bị trả thù, do đó, việc tư vấn, ổn định tâm lý cần thực hiện ngay trong thời gian đầu lấy lời khai, lập hồ sơ tiếp nhận ban đầu. Tuy nhiên, tại nơi tiếp nhận không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để bảo đảm yếu tố nhạy cảm về giới khi tiếp nhận nạn nhân phần lớn là nữ.

Về thẩm quyền quyết định hỗ trợ nạn nhân cũng nảy sinh những vướng mắc, chưa thống nhất trong các văn bản hướng dẫn. Tại Điểm b, Khoản 3 Điều 23, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân, trong khi đó, theo Khoản 5, Điều 39, Luật PCMBN lại giao cho Sở LĐTBXH.

Đối với trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân hiện nay còn khá phức tạp, khó khả thi. Theo quy định, để hoàn thành thủ tục đề nghị hỗ trợ khó khăn ban đầu, học văn hóa, học nghề, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân phải mất nhiều thời gian cho việc gửi đơn từ UBND cấp xã (3 ngày làm việc) qua Phòng LĐTBXH cấp huyện (5 ngày làm việc) rồi trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định (3 ngày làm việc). Thời gian chờ đợi lâu, mức trợ cấp thấp (trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo là 1 triệu đồng/người)... nên nhiều nạn nhân không muốn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ; một số nạn nhân có nhu cầu học văn hóa, học nghề nhưng không được miễn giảm học phí, không có tiền đóng góp nên cũng bỏ, không tham gia.

Cùng với đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân còn gặp khó khăn trong việc vận động, tiếp nhận các nguồn kinh phí hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất, chăm sóc đối tượng và đào tạo nhân viên. Kinh phí xã hội hóa chưa thực sự đáp ứng việc nâng cao hiệu quả hỗ trợ nạn nhân. Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân chưa có quy định tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá cả để bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ và bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ...

Nhất quán quan điểm “Lấy nạn nhân làm trung tâm”

Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của BCH Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Bộ LĐTBXH chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật PCMBN với những định hướng sau:

Thứ nhất, việc thành lập, hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Thứ hai, về đối tượng hỗ trợ, gồm: (1) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam; (2) Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 của Luật PCMBN hoặc người trong thời gian chờ xác minh để cấp giấy tờ nhân thân; (3) Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân.

Như vậy, so với quy định hiện hành, bổ sung đối tượng là người nước ngoài bị mua bán được trao trả qua Việt Nam.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục, chế độ hỗ trợ được quy định cụ thể theo 3 giai đoạn nhằm tăng cường hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân, gồm: hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Trong đó, bổ sung chế độ hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý trong giai đoạn hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Thứ tư, bổ sung Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm cung cấp thông tin dịch vụ tư vấn qua điện thoại (do LĐTBXH quản lý), hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần; sử dụng số điện thoại 3 số (Tổng đài quốc gia 111); không thu cước viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

Thứ năm, đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội và tăng cường hiệu quả hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội công lập theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

Từ những quan điểm và thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PCMBN và các luật liên quan phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, quy định thống nhất, cụ thể trong Luật PCMBN và các văn bản hướng dẫn thi hành về thành lập và hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (kể cả trong nước và nước ngoài) đủ điều kiện theo quy định tham gia cung cấp dịch vụ toàn diện cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân vô gia cư và trẻ em gái.

Khảo sát, nghiên cứu đánh giá nhu cầu thực tế để thành lập từ 2 - 3 cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt (theo vùng miền hoặc địa bàn trọng điểm về mua bán người. Hiện cả nước chưa có loại hình chuyên biệt này) nhằm tập trung nguồn lực, triển khai ứng dụng/thí điểm mô hình, kỹ thuật tiên tiến. Trong đó, có sự tham khảo, đánh giá kết quả mô hình hoạt động của cơ sở có chức năng hỗ trợ nạn nhân do một số tổ chức quốc tế hỗ trợ thành lập như Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang.

Xuất phát từ quan điểm “Lấy nạn nhân làm trung tâm” và đảm bảo quyền con người để nghiên cứu, bổ sung phạm vi tư pháp đối với quyền của nạn nhân trong quá trình tố tụng, xét xử các vụ án, nhất là phụ nữ và trẻ em; xây dựng chế tài bồi thường thiệt hại, chế tài bảo vệ nhân chứng và chăm sóc nạn nhân (sức khỏe, tâm lý, tài chính…), kể cả sau khi hòa nhập cộng đồng.

Nghiên cứu xây dựng đề án nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp với nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân. Đào tạo một đội ngũ có trình độ, có trách nhiệm cao và kỹ năng thuần thục, nhất là những người trực tiếp làm việc ở tuyến đầu để tham gia trong suốt quá trình (từ tuyên truyền phòng ngừa, phát hiện nạn nhân bị mua bán; bảo vệ, hỗ trợ; tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tâm lý...). Cùng với đó, xem xét, bố trí nhân viên công tác xã hội tham gia tư vấn, giúp đỡ nạn nhân và phục vụ trong quá trình tố tụng, xét xử; tiếp cận, xác định, bảo vệ nạn nhân một cách khách quan nhất, nhân văn nhất, đảm bảo quyền con người tốt nhất.

Cuối cùng, theo thống kê, số lượng nạn nhân bị mua bán trở về hàng năm tuy không nhiều nhưng rất đặc thù vì đây là nhóm yếu thế (bị tổn thương về thể chất, tâm lý...), thời gian hỗ trợ ngắn trong một thời điểm, hoàn cảnh đặc biệt, do đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhằm phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác an sinh xã hội “Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Top